Đồng USD đương đầu áp lực giảm giá mạnh, nhưng có thể sớm bật tăng trở lại
Đồng USD có mức độ nhạy cảm lớn với các kỳ vọng lãi suất cũng như những dự báo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ...
Tỷ giá đồng USD đang dao động ở vùng đáy của 1 năm trở lại đây, một dấu hiệu cho thấy tâm trạng bấp bênh của các nhà giao dịch ở Phố Wall trong lúc chờ quyết định lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp đưa ra. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng mất giá của đồng tiền này có thể sẽ không duy trì lâu.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác đã giảm 3% từ đầu tháng 8 tới nay. Hiện tại, chỉ số này đang gần sát mức đáy ghi nhận trong tháng 8, cũng là mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
VÌ SAO USD MẤT GIÁ
Đồng USD có mức độ nhạy cảm lớn với các kỳ vọng lãi suất cũng như những dự báo về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Tỷ giá đồng tiền này đã đương đầu sức ép giảm giá mạnh trong những tuần gần đây, khi số liệu kinh tế Mỹ yếu đi củng cố đặt cược rằng Fed sẽ có đợt hạ lãi suất đầu tiên kể từ năm 2020 vào ngày thứ Tư tuần này.
Áp lực mất giá đối với USD càng lớn khi các nhà giao dịch trong những ngày gần đây gia tăng đặt cược vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm - lớn gấp đôi mức giảm thường gặp trong mỗi lần họp là 0,25 điểm phần trăm, cũng là mức giảm mà thị trường trước đó đặt kỳ vọng nhiều hơn cả. Nếu mức giảm 0,5 điểm phần trăm được áp dụng, lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm còn 5,75-5%, từ mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5% hiện nay.
“Có hai yếu tố đẩy đồng USD xuống thấp: đặt cược vào việc Fed giảm lãi suất, và các vị thế đầu cơ giá lên đồng USD đang phải bán ra để cắt lỗ”, trưởng chiến lược ngoại hối Mark McCormick của công ty TD Securities nhận định với tờ báo Financial Times.
Cùng với đó, sự tăng giá của các đồng tiền khác cũng gây áp lực giảm lên đồng USD. Gần đây, đồng yên đã tăng giá vượt mức 140 yên đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái. Xu hướng tăng giá của đồng yên phản ánh kỳ vọng về sự trái chiều chính sách Mỹ và Nhật, với Fed sắp giảm lãi suất trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bước vào chu kỳ thắt chặt.
Xu hướng giảm giá gần đây của đồng USD trái ngược với việc chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh, với chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall - chạm mức kỷ lục nội phiên mới trong ngày vào thứ Ba. Điều này phản ánh sự chia rẽ quan điểm đang diễn ra giữa các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi họ rót vốn vào các tài sản khác nhau.
Trong sự chia rẽ đó, các nhà giao dịch tiền tệ chỉ tập trung vào tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, mà bỏ qua sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc và châu Âu - yếu tố rốt cục có thể chi phối các dòng tiền trên toàn cầu. Mỗi khi nền kinh tế thế giới xấu đi, các nhà đầu tư nước ngoài thường ưa thích chứng khoán Mỹ và những loại tài sản an toàn truyền thống như USD và trái phiếu kho bạc Mỹ.
CƠ SỞ CHO KHẢ NĂNG HỒI PHỤC CỦA USD
“Đồng USD đang được định giá trên cơ sở cho rằng chỉ có kinh tế Mỹ suy thoái. Đồng tiền này đang phớt lờ những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và khu vực eurozone. Việc thị trường khoán Mỹ kém hiệu quả trong 2 tháng không có nghĩa rằng có một nơi tốt hơn để đầu tư, bởi cả thị trường Trung Quốc và châu Âu đều đang yếu kém”, ông McCormick nói.
Các chiến lược gia cũng lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ - khác với những nền kinh tế lớn khác như Nhật Bản - không có sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Như vậy, việc đồng USD mất giá gần đây sẽ ít tác động đến các công ty Mỹ có hoạt động quốc tế.
“Mỹ là một nền kinh tế quá lớn và có mức độ cách ly quá cao để có thể bị ảnh hưởng bởi những biến động tỷ giá USD gần đây”, ông Ajay Rajadhyaksha, Chủ tịch nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Barclays, phát biểu.
Tất cả những yếu tố này khiến ông Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng tại công ty quản lý rủi ro ngoại hối và thanh toán toàn cầu Corpay, tin rằng đồng USD sẽ sớm hồi phục.
Ông Schamotta chỉ ra một xu hướng lịch sử trong giao dịch ngoại hối được gọi là “nụ cười USD”. Xu hướng này được xem như một động lực minh họa cho vai trò đặc biệt của đồng bạc Mỹ trên thị trường tài chính: theo truyền thống, USD tăng giá mạnh cả khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bùng nổ và tăng vượt trội so với các nền kinh tế lớn khác, cũng như khi nền kinh tế toàn cầu giảm tốc khiến giới đầu tư tìm đến USD như một “hầm trú ẩn”.
“Hiện tại chúng ta đang ở dưới đáy của nụ cười. Chênh lệch tăng trưởng dự kiến giữa các nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã được thu hẹp. Kinh tế Mỹ tuy có mất đà nhưng vẫn hoạt động tương đối tốt. Đặt cược vào sự mất giá của đồng USD đã đi hơi quá xa”, ông Schamotta phát biểu.
Vị chiến lược gia đề cập đến các số liệu kinh tế gần đây, gồm một báo cáo ngày thứ Ba cho thấy doanh thu bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 8, một dấu hiệu của tiêu dùng ổn định. Ông cũng chỉ ra rằng công cụ theo dõi GDP của Fed chi nhánh Atlanta - một thước đo theo thời gian thực về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ - đang cho thấy nền kinh tế có thể đạt mức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3 năm nay.
“Các con số thống kê như doanh thu bán lẻ và công cụ Nowcast của Fed Atlanta đang cho chúng ta biết rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang trụ vững dù có giảm tốc. Điểm yếu duy nhất trong nền kinh tế hiện nay là thị trường lao động đang điều chỉnh từ trạng thái quá nóng trong thời kỳ đại dịch”, ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận