Dòng tiền ‘mất hút’, chuyên gia đưa ra quan điểm thận trọng
Trong bối cảnh thanh khoản ngày càng eo hẹp cùng những tín hiệu tích cực chưa xuất hiện nhiều, các chuyên gia cho rằng thị trường đang trong trạng thái bất ổn, cần chú ý quan sát diễn biến dòng tiền.
Chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm, tương đương 1,8% xuống mức 1.242,1 điểm trong tuần giao dịch 22-26/7.
Thanh khoản giảm 18,1%
Không chỉ giảm về điểm số, thị trường chứng khoán tuần qua còn giảm mạnh về thanh khoản. Tính chung trên cả 3 sàn, giá trị giao dịch bình quân đã giảm rất mạnh trong tuần, chỉ còn 18.224 tỷ đồng/phiên, giảm tới 18,1% so với tuần trước đó.
Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân phiên trên HoSE giảm 17,4%, còn 16.097 tỷ đồng/phiên; trên sàn HNX và UPCoM lần lượt đạt 1.194 tỷ đồng/phiên và 933 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm 17,7% và 28,7% so với tuần trước.
“Việc thanh khoản sụt giảm trong nhịp điều chỉnh của VN-Index cho thấy tâm lý thận trọng của thị trường. Nhà đầu tư đã kỳ vọng khá nhiều vào sự khởi sắc hơn của nền kinh tế và lợi nhuận tiếp đà phục hồi trong quý II/2024. Cùng với đó, sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường, VN-Index đang trong nhịp hồi kỹ thuật và chưa xác định rõ ràng xu hướng tiếp theo cũng khiến nhà đầu tư chưa có động lực để gia tăng giải ngân giai đoạn hiện tại”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT nhận xét.
Còn ông Lê Ngọc Toàn, chuyên gia phân tích từ Học viện New World Education cho biết, sau khi lãi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục hồi quý I, dòng tiền tích cực đổ vào chứng khoán và tạo ra những phiên giao dịch đạt giá trị 1 tỷ USD. Song, việc lãi suất tăng trở lại kèm theo áp lực của tỷ giá đã chuyển hướng dòng tiền vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư khác.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Trần Lâm Bình cho rằng, thanh khoản sụt giảm sau đợt giảm giá mạnh là điều dễ hiểu vì tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Hơn nữa, nguyên nhân sụt giảm mạnh vừa rồi một phần đến từ việc bán giải chấp nên chưa có dòng tiền mới tham gia.
Theo giới phân tích, thị trường nhìn chung không chịu tác động nhiều từ các thông tin vĩ mô trong nước. Những thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực đến từ các tổ chức quốc tế hay thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không tác động mạnh tới tâm lý thị trường. Ngược lại, trong tuần, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định lùi thời hạn công bố quyết định xem Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không có phần ảnh hưởng tới tâm lý của một số nhà đầu tư.
Đáng chú ý, thị trường vẫn chưa xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực rõ rệt, nhất là thanh khoản ngày càng eo hẹp khiến thị trường vẫn khó đảo chiều thực sự sang xu hướng phục hồi.
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đang trong xu thế xây nền và tích lũy, mốc 1.255 điểm có thể là mốc ngắn hạn hướng tới. Trong bối cảnh thanh khoản suy giảm, thị trường vẫn cần một cú hích đủ mạnh để phá vỡ tâm lý thận trọng. Việc quan sát dòng tiền và cơ cấu danh mục cho trung hạn là khuyến nghị được nhiều chuyên gia đưa ra trong bối cảnh hiện nay.
Thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường
Theo các chuyên gia, diễn biến của thanh khoản thấp sau đợt giảm điểm mạnh cho thấy áp lực bán tạm thời yếu đi và thị trường đang dần lấy lại sự cân bằng. Tuy nhiên, điều này chưa xác nhận thị trường đã quay lại xu hướng tăng. Mặt khác, thị trường vẫn có khả năng giảm điểm tiếp nếu áp lực bán gia tăng đột ngột, khi đó sẽ không có lực cầu đỡ giá do thanh khoản thấp.
Ông Nguyễn Huy Phương, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy nguồn cung tạm thời chưa gây áp lực lên thị trường. Tuy nhiên, dòng tiền chưa có sự khởi sắc, do đó khả năng thị trường sẽ tiếp tục trạng thái được nâng đỡ và thăm dò nguồn cung.
“Dự kiến vùng cản 1.245 - 1.250 điểm sẽ gây áp lực cung cho thị trường trong thời gian tới. Nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước trạng thái bất ổn của thị trường, giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn”, ông Phương lưu ý.
Chuyên gia VDSC khuyến nghị nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc những đợt hồi phục của thị trường để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco nhìn nhận áp lực bán nhịp giảm chủ yếu tới từ cá nhân trong nước. VN-Index đã có nhịp hồi sau khi phản ứng với vùng 1.220 điểm, tuy nhiên xu hướng ngắn hạn đã trở thành giảm giá và áp lực bán có thể gia tăng trở lại khi VN-Index tiến dần lên vùng 1.250 (+-5) điểm.
Ông Khoa cho rằng, kịch bản về sự hồi phục hình chữ "V" mà một số nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực bán từ nhà đầu tư cá nhân đang mạnh như hiện tại.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Agriseco, nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự đảo chiều của dòng vốn ngoại sẽ sớm được diễn ra nhờ Fed hạ lãi suất điều hành trong tháng 9 tới giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND, giảm áp lực lên tỷ giá; VN-Index điều chỉnh đưa định giá của thị trường và cổ phiếu về vùng hợp lý có thể thu hút dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài.
Liên quan tới mùa báo cáo tài chính đang diễn ra, các doanh nghiệp đang dần hé lộ kết quả kinh doanh Tính đến hiện tại, khoảng gần 600 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính hoặc đưa ra ước tính về kết quả kinh doanh quý II/2024. Trong đó, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 21,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 16,7% của quý I. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp đà phục hồi, phản ánh vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Dù vậy sẽ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành và sự phân hóa này có thể tiếp tục trong quý III và nửa cuối năm 2024 khi yếu tố nền thấp của cùng kỳ năm trước đã không còn nữa. Do đó, việc lựa chọn và tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ cần phải thực hiện một cách kỹ lưỡng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận