Dòng tiền đầu cơ hoạt động mạnh
Dòng tiền đầu cơ hưng phấn với nhóm cổ phiếu bất động sản khi có thông tin hỗ trợ, nhưng áp lực chốt lời sớm xuất hiện.
Bối cảnh vĩ mô kém khả quan
GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, mức tăng trưởng tại lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là 2,52%, công nghiệp, xây dựng là âm 0,4%, dịch vụ là 6,79%.
Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tăng trưởng âm so với mức tăng 6,56% của cùng kỳ có nguyên nhân khách quan đến từ nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn suy yếu khiến quy mô xuất nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến lĩnh vực công nghiệp. Trong khi đó, bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản kể từ quý III/2022 cũng là nguyên nhân lớn dẫn tới sự giảm tốc của nền kinh tế.
Trước tình trạng yếu kém của ngành bất động sản, Chính phủ đã đề ra các chính sách nhằm cải thiện tình hình như ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP, Quyết định 388/QĐ-TTg, Nghị định 10/2023/NĐ-CP. Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội sắp tới, Luật Đất đai sẽ được tập trung sửa đổi theo hướng gỡ bỏ những nút thắt, khơi thông nguồn lực đất đai. Cùng với chính sách tiền tệ dần được nới lỏng, DSC kỳ vọng, nút thắt bất động sản sẽ sớm được tháo gỡ.
Với bối cảnh vĩ mô đó, cổ phiếu ngành bất động sản nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung vừa có tuần biến động mạnh. Dòng tiền đầu cơ hưng phấn ngay phiên đầu tuần, nên áp lực chốt lời xuất hiện trong hai phiên cuối tuần. Kết thúc tuần qua, VN-Index đóng cửa với mẫu nến đỏ cân bằng tại 1.069 điểm, tăng 0,48% so với cuối tuần trước đó.
Trên khung đồ thị ngày, thị trường quay trở lại lấp “khoảng trống” và hồi phục về cuối phiên dưới sự lan tỏa tâm lý từ nhóm chứng khoán (SSI, VCI, MBS). Tuy nhiên, DSC đánh giá, khả năng điều chỉnh vẫn còn và trong trường hợp thị trường hưng phấn trở lại, dòng tiền tiếp tục tập trung vào nhóm cổ phiếu đầu cơ trong các phiên đầu tuần mới, thì có cơ sở để nghi ngờ về “bẫy” tăng giá.
DSC dự báo, thị trường sẽ điều chỉnh lành mạnh về khu vực 1.040 - 1.050 điểm và dòng tiền quay trở lại những cổ phiếu cơ bản, có tính dẫn dắt. Nhà đầu tư có thể giải ngân dần từ vùng 1.050 - 1.055 điểm, mở rộng quan điểm mua, gia tăng vị thế danh mục khi dòng tiền đẩy mạnh vào nhóm vốn hóa lớn. Điểm quản trị rủi ro tại 1.040 điểm. Điểm chốt lời là khu vực 1.090 - 1.100 điểm.
Ngành hàng không: Tín hiệu tăng trưởng
Quý I/2023, khu vực dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng 6,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ du lịch lữ hành đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 119,8% và lưu trú ăn uống đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 28,4%. Giữa bối cảnh kinh tế giảm tốc giai đoạn đầu năm, lĩnh vực hàng không du lịch nổi lên như một điểm sáng tăng trưởng khi so sánh với mức nền thấp trong năm 2022.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế, chỉ số đo lường lượng khách đến các hãng hàng không (RPKs) tại thị trường châu Á tăng 114,9%. Xu thế phục hồi vượt trội này dự báo sẽ kéo dài do hưởng lợi từ sự chuyển dịch du lịch sang các nước châu Á khi khủng hoảng địa chính trị ở một số nước phương Tây chưa có hồi kết. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc chính thức mở cửa du lịch vào Việt Nam (từ ngày 15/3/2023) kỳ vọng đóng góp cho sự hồi phục lượng khách quốc tế, đặc biệt vào mùa hè năm nay.
Trên biểu đồ kỹ thuật, chỉ số ngành hàng không đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chỉ báo sức mạnh tương đối (RSI) phát tín hiệu lần đầu vượt lên trên tín hiệu mua. Hiện tại, những biến động “rung lắc” không gây áp lực quá tiêu cực khi vận động phía trên vùng đáy suy thoái cuối năm ngoái, giúp chỉ số hình một đường hỗ trợ chéo cho xu hướng tăng.
Trong ngắn hạn, diễn biến giá có phần chậm lại và thắt chặt là vận động tương đối phù hợp tại những điểm giao của đường tín hiệu trung bình động MA10 và MA20. Quán tính điều chỉnh với thanh khoản thấp không gây ảnh hưởng đến xu hướng trung hạn tích cực, nên DSC đề ra chiến lược mua thăm dò khi chỉ số ngành hàng không điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ chéo (2.150 điểm). Một số cổ phiếu đáng quan tâm là HVN, VJC.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận