Động thái tiền tệ trước cuộc họp FED tháng 7
Còn ít ngày nữa, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ có cuộc họp thường kỳ cuối tháng 7. Giới tài chính quốc tế dự báo sẽ chưa có động thái về điều chỉnh lãi suất sau kỳ họp này, nhưng thông điệp của FED trong cuộc họp này có thể sẽ có nhiều ý nghĩa với thị trường tài chính quốc tế và qua đó cũng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.
Nhiều thay đổi vĩ mô trước cuộc họp tháng 7
Trước khi cuộc họp của FED diễn ra, các số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ xuất hiện nhiều thay đổi theo chiều hướng sự kỳ vọng về các đợt hạ lãi suất của FED được củng cố chắc chắn hơn.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ mới công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước, giảm 0,3% so với tháng 5. CPI tháng 6 được dự báo tăng 3,1%. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự báo 3,4% và mức tăng 3,4% được thấy trong báo cáo tháng 5.
Những số liệu vĩ mô về sự hạ nhiệt lạm phát khiến cho các nhà đầu tư liên tưởng đến các lập trường của FED đưa ra trước đây, khi Chủ tịch Powell thường nhắc lại quan điểm rằng FED sẽ phụ thuộc vào dữ liệu để đưa ra các quyết định về lãi suất.
Trở lại các dữ liệu vĩ mô tháng 6 của Mỹ, Báo cáo kinh tế cung cấp cho Cục Dự trữ Liên bang bằng chứng bổ sung về sự suy giảm lạm phát mà Chủ tịch Powell nhấn mạnh là cần thiết để bắt đầu cắt giảm lãi suất trong các phiên điều trần gần đây của ông trước Quốc hội. Dữ liệu cho thấy FED đang tiến gần hơn đến mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2%.
Đặc biệt, giai đoạn này cũng là thời điểm sắp đến phiên họp thường kỳ của FED dự kiến diễn ra ngày 31/7 tới. Hiện nay giới tài chính cũng chưa đặt nhiều kỳ vọng về việc FED sẽ đưa ra quyết định hạ lãi suất ngay trong tháng 7 này khi công cụ FEDWatch đưa ra dự báo có tới trên 95% khả năng FED vẫn giữ lãi suất 5,25 - 5,5% như hiện nay sau cuộc họp tháng 7. Mặc dù vậy, thị trường vẫn chờ đợi khá nhiều về các diễn biến cuộc họp bởi các quan điểm và thông điệp tại cuộc họp này cũng có nhiều ý nghĩa để giới tài chính dự báo về các động thái thời gian tới.
Tăng kỳ vọng và các tác động trong nước
Giới tài chính kỳ vọng nếu lạm phát tiếp tục có tín hiệu tích cực khác vào tháng 7 và tháng 8 có thể thúc đẩy FED nới lỏng chính sách tiền tệ với nhiều hơn 1 lần hạ lãi suất trong năm 2024. Công cụ FED Watch tại thời điểm chiều ngày 18/7 đưa ra tỷ lệ dự báo xác suất lên tới hơn 94% khả năng FED cắt giảm lãi suất xuống mức 5 - 5,25% vào phiên họp tháng 9. Ngoài ra, FEDWatch đưa ra số liệu cho thấy tỷ lệ xác suất đạt xấp xỉ 60% khả năng FED có thể sẽ hạ lãi suất xuống mức 4,75 - 5% vào cuộc họp tháng 11.
Với những dữ liệu hiện tại thì kỳ vọng về khả năng FED hạ lãi suất đang có xu hướng lạc quan hơn so với thời kỳ hơn 1 tháng trước đây, khi có nhiều hy vọng cho thấy việc FED có thể thực hiện 2 đợt hạ lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2024. Trước đó, sau cuộc họp của FED tháng 6, các mô hình dự báo thời điểm đó vẫn nghiêng về khả năng FED có thể sẽ chỉ hạ lãi suất 1 lần trong năm 2024.
Bình luận về tác động của việc FED giảm lãi suất đối với thị trường tài chính trong nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc này có thể khiến cho đồng Đô la Mỹ giảm và qua đó sẽ giảm áp lực đối với tỷ giá trong nước. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, khi FED cắt giảm lãi suất thì đó là yếu tố kỳ vọng khiến cho các đồng tiền trên thế giới có thể tăng giá so với đồng Đô la Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, ngay cả kịch bản FED hạ lãi suất thì đó cũng chưa hẳn là kịch bản lạc quan hoàn toàn. Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết, FED sẽ cân nhắc giảm lãi suất khi họ thấy nền kinh tế có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, điều đó xảy ra cũng đồng nghĩa là tổng cầu của nền kinh tế Mỹ sụt giảm, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, ông Hùng cho biết giải pháp cần làm đối với Việt Nam là ngoài việc quan sát động thái của Mỹ xem họ làm gì thì cũng quan tâm đến các yếu tố khơi thông thị trường nội địa, kích thích đầu tư và tiêu dùng nội địa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận