Động thái mới của Bộ Giao thông về dự án BOT thua lỗ
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa giao Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh lại báo cáo và xây dựng phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án BOT thua lỗ.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 1/7, đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam -Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sau khi Bộ trình phương án gỡ vướng cho các dự án BOT thua lỗ, Chính phủ đã có một số chỉ đạo mới. Tinh thần của lãnh đạo Chính phủ là yêu cầu rà soát lại các giải pháp và nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù (nếu có) với mục tiêu hạn chế chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, giảm tiền ngân sách Nhà nước, đồng thời chỉ giới hạn xử lý các dự án đã xác định rõ vướng mắc, đã định lượng được khó khăn.
Theo đại diện Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục đang rà soát lại các giải pháp. Trước mắt, với 3 dự án BOT do địa phương phụ trách quản lý gồm: Dự án xây dựng cầu An Hải (Phú Yên); Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 39B và đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (Thái Bình); Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Lạng Sơn). Cục sẽ làm việc với từng địa phương để tiếp tục tìm giải pháp tối ưu, phù hợp nhất.
Đối với 8 dự án của Bộ làm chủ đầu tư, Cục sẽ làm việc với nhà đầu tư để rà soát lại, trước khi làm việc với ngân hàng, để thống nhất giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
"Bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và làm việc với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, xác định rõ mức chia sẻ rủi ro khi nhà nước thực hiện giải pháp xử lý. Về lâu dài, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ để sửa Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư", đại diện Cục Đường cao tốc cho hay.
Được biết, sau khi thường trực Chính phủ có ý kiến, Bộ GTVT vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Yên; Cục Đường cao tốc Việt Nam về việc hoàn chỉnh đề án về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT giao thông theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Theo đó, Bộ GTVT giao Cục Đường cao tốc Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, hoàn chỉnh báo cáo và xây dựng phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án cụ thể; chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương đối với 3 dự án BOT do địa phương là cơ quan có thẩm quyền.
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đàm phán với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và các tổ chức tín dụng để xây dựng phương án chia sẻ rủi ro phù hợp với từng giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thường trực Chính phủ.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh Lạng Sơn, Thái Bình, Phú Yên chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án phối hợp với Cục Đường cao tốc Việt Nam hoàn chỉnh báo cáo, đề xuất giải pháp đối với từng dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền.
Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với Cục Đường cao tốc Việt Nam và các cơ quan chức năng của địa phương trong quá trình đàm phán, xây dựng phương án chia sẻ rủi ro đối với từng dự án.
Trước đó, Bộ GTVT đề xuất phương 3 nhóm giải pháp để gỡ vướng cho 8 dự án BOT thua lỗ, với ngân sách dự kiến hỗ trợ khoảng 10.650 tỷ đồng. Theo đề xuất, nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn ngân sách, Bộ GTVT đề xuất hỗ trợ 2 dự án có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi với tổng số tiền cần bố trí là 1.557 tỷ đồng.
Nhóm thứ hai, Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh theo hướng hỗ trợ cơ chế của Nhà nước, bổ sung vốn ngân sách khoảng 2.280 tỷ đồng tham gia dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả để thay thế cơ chế hỗ trợ bằng quyền thu phí trên tuyến La Sơn - Túy Loan và kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 4 tháng.
Nhóm thứ ba gồm 5 dự án thua lỗ không có khả năng tiếp tục vận hành, Bộ GTVT đề xuất bố trí hơn 6.810 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận