Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Bài 1: Năm thăng trầm của xuất khẩu
Năm 2022, kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn thích ứng và tập trung phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhu cầu tiêu dùng trên các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU được “giải nén” đã tạo cơ hội cho hoạt động xuất khẩu quay lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, từ giữa năm, những hệ luỵ của xung đột quân sự, khủng hoảng giá nhiên liệu, lạm phát khiến kinh tế thế giới suy giảm, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm nhịp và rơi vào khó khăn.
Mặc dù vậy, với đòn bẩy từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các công cụ kết nối thương mại và sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp, xuất khẩu vẫn được xác định là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2022 về hoạt động xuất khẩu, TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết với chủ đề "Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam".
Bài 1: Năm thăng trầm của xuất khẩu
Sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh nghiệp xuất khẩu đặt nhiều kỳ vọng có một năm khởi sắc, bù đắp nhu cầu do gián đoạn thương mại, đứt gãy chuỗi cung ứng trước đó. Thực tế, nửa đầu năm 2022, nhiều ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ, dệt may đã đạt được mức tăng trưởng rất khả quan, thậm chí một số ngành tăng trưởng “nóng”.
Tuy nhiên, đà phục hồi của thị trường thế giới không duy trì được lâu khi các yếu tố bất lợi nối tiếp nhau khiến hoạt động xuất khẩu đảo chiều trầm lắng ngay cả những tháng cuối năm.
Bắt nhịp phục hồi
Ngay từ đầu năm, với chiến lược thích ứng linh hoạt, nhiều ngành hàng của Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục sản xuất sau thời gian trì trệ bởi dịch COVID-19. Các thị trường tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU phục hồi sức mua nhanh hơn dự báo đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Đây là con số ấn tượng đối với ngành dệt may trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 kéo dài.
Theo ông Vũ Đức Giang, kết quả xuất khẩu nửa đầu năm 2022 tích cực là nhờ vận dụng hiệu quả các FTA với 15 hiệp định có hiệu lực đã mở ra hành lang thị trường rộng mở cho hàng dệt may Việt Nam; trong đó một số hiệp định có ràng buộc về quy tắc xuất xứ như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thúc đẩy ngành công nghiệp dệt sợi trong nước phát triển vượt bậc trong 5 năm trở lại đây.
Cùng nhận định, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, 6 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu của công ty rất tích cực, các khách hàng ở thị trường Hoa Kỳ, EU có tốc độ phục hồi nhanh chóng nhờ đó số lượng đặt hàng tăng 20-30% so với cùng kỳ năm 2021, thậm chí một số khách hàng có đơn đặt tăng hơn trước thời điểm dịch COVID-19. Tăng trưởng xuất khẩu của công ty đạt trên 30%.
Tương tự như dệt may, thuỷ sản cũng có tốc độ tăng trưởng rất tích cực từ những tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước 3 tháng đầu năm tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Đà tăng trưởng này tiếp tục duy trì trong quý II, đến hết tháng 6 xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đã đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 40% so với nửa đầu năm 2021.
Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phân tích, mức tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2022 là do nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản. Cùng lúc đó tại Việt Nam, sau đỉnh dịch (quý III/2021) nông dân nuôi trồng và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và chế biến xuất khẩu rất nhanh, để kịp tận dụng được cơ hội thị trường và đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập từ các nước.
Đồ gỗ và nội thất cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong những tháng đầu năm 2022 khi lượng đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu quan trọng đều tăng cao. Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng dồn dập và phải tăng ca sản xuất mới kịp thời gian giao hàng.
Vào giữa tháng 4/2022, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội khi các nhà mua hàng quốc tế ngày càng chú trọng, đánh giá cao sản phẩm đồ gỗ, nội thất của Việt Nam và dịch chuyển mạnh về thu mua. Thời điểm đó, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã được khách hàng đặt kín đơn hàng đến quý III, thậm chí hết năm 2022.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, sau thời gian bị đè nén do dịch bệnh, bước vào giai đoạn thích nghi, người tiêu dùng ở nhiều nơi trên thé giới có nhu cầu sửa sang, trang trí lại nhà cửa, nơi làm việc; nhiều công trình xây dựng cũng thi công trở lại đã giúp ngành gỗ hoạt động nhộn nhịp.
Nửa sau trầm lắng
Mặc dù xuất khẩu nửa đầu năm sôi động, nhưng từ giữa năm một số ngành hàng xuất khẩu đã dự báo nửa cuối năm không thuận lợi do ảnh hưởng lạm phát, kinh tế suy giảm khiến người tiêu dùng thế giới thắt chặt chi tiêu.
Là ngành có tăng trưởng “nóng” trong nửa đầu năm nhưng từ tháng 6 /2022 xuất khẩu thuỷ sản có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại. Giá trị xuất khẩu thuỷ sản nhiều tháng liền sau đó giảm dần đều. Tháng 6 giá trị xuất khẩu lần đầu giảm xuống mức dưới 1 tỷ USD/tháng; trong đó mặt hàng chủ lực là tôm thể hiện rõ nhất khi tháng 6 giảm 1%, sang tháng 7, xuất khẩu tôm tiếp tục giảm gần 13%.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 tiếp tục đà giảm, chỉ đạt 917 triệu USD, giảm hơn 3% so với tháng 7, xuất khẩu tôm tụt dốc nhiều nhất trong các sản phẩm thủy sản. Từ mức cao đỉnh điểm 456 triệu USD trong tháng 5, tới tháng 8 kim ngạch xuất khẩu tôm hạ xuống còn 356 triệu USD.
Tháng 9/2022, xuất khẩu thuỷ sản chỉ còn 850 triệu USD. Đến tháng 11/2022 là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tháng 11 chỉ đạt 780 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chính từ tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 – 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP phân tích, nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản chậm lại do nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu từ tháng 10 trở đi với mức tăng trưởng chỉ 2%, sang tháng 11 giảm tới 14% so với cùng kỳ. Dự báo, trong tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm còn kéo dài sang năm 2023.
Theo bà Lê Hằng, lạm phát đang ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm 2023 gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi… cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu trong những tháng cuối năm.
Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự khi tình trạng giảm đơn hàng ngày càng trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động.
Ngành gỗ là một trong những ngành cảm nhận sớm nhất những hệ luỵ từ lạm phát ở Hoa Kỳ và EU bởi thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, nội thất của Việt Nam, còn EU khoảng 10%. Nếu như những tháng đầu năm doanh nghiệp nhận đơn hàng dồn dập và phải sản xuất liên tục mới kịp giao hàng thì từ tháng 4, lượng đơn hàng bắt đầu chững lại và đến tháng 7 giảm sâu.
Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, tháng 7/2022 là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam có kết quả tăng trưởng âm sau nhiều năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số. Nguyên nhân là do do các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là châu Âu và Hoa Kỳ rơi vào lạm phát kỷ lục khiến người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu, ưu tiên cho các sản phẩm thiết yếu hơn.
Theo khảo sát của các Hiệp hội gỗ tại Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai đều cho thấy, từ tháng 6/2022 trở về sau đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp bị giảm đến 70-80%. Các thị trường xuất khẩu đồ gỗ, nội thất quan trọng như EU, Hoa Kỳ, Anh đều giảm, thậm chí có thị trường giảm tới 50%.
Thông thường những tháng cuối năm sản lượng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do người dân có nhu cầu hoàn thiện, trang trí lại nội thất cho các dịp lễ, tết. Tuy nhiên đến giữa tháng 12/2022, các doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận