menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thành Chung

Động lực để hộ kinh doanh vượt khó mùa dịch

Đợt dịch lần thứ tư kéo dài hơn 2 tháng đang khiến hàng triệu hộ kinh doanh trên cả nước chật vật trong khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn

Chật vật trong khó khăn

Siêu thị của chị Nguyễn Thu Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) từng sử dụng đến 3 tầng để kinh doanh các loại mặt hàng. Tuy nhiên khi dịch xảy ra, sức mua của người dân giảm, chị đành cho đóng cửa tầng 3 chuyên bán đồ cho trẻ em và văn phòng phẩm, chỉ để lại hai tầng bán đồ dùng thiết yếu.

Doanh thu sụt giảm, chị Hằng phải dùng đủ mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, cho nhân viên làm theo ca, tuy nhiên, từ đầu mùa hè đến nay, khoản tiền điện lại khiến chị đau đầu. Chỉ tính hóa đơn của tháng 5 đã phải trả gần 50 triệu đồng tiền điện.

“Trong lần bùng phát dịch bệnh lần thứ tư này, người dân chỉ còn mua các nhu yếu phẩm thực sự cần thiết, sức mua giảm rõ rệt. Trong khi đó, tiền điện của tháng 5 so với các tháng trước đã tăng đến gần 90%. Chúng tôi đã thử áp dụng một số biện pháp tiết kiệm điện trước đó đối với bộ phận làm mát và hệ thống điều hòa. Nhưng do nắng nóng, chúng tôi phải duy trì nhiệt độ trong siêu thị để bảo quản đồ”, chị Hằng cho biết.

Không chỉ siêu thị của chị Hằng, nhiều hộ kinh doanh khác cũng đang chật vật tìm đủ mọi cách để gắng gượng đi qua mùa dịch.

Chị Nguyễn Thu Cúc, quản lý một siêu thị tại Long Biên, cho biết: “Trước đó, một phần nguồn thu của chúng tôi đến từ việc cho thuê mặt bằng trên tầng 3 để dạy học, thế nhưng hiện nay các lớp học đều đã nghỉ, chuyển sang dạy online, nguồn thu đã mất. Những tháng gần đây, chi phí duy trì hoạt động tăng cao, chúng tôi cũng đang cố gắng chịu lỗ để chờ dịch tan và mong chờ mọi thứ sẽ khá hơn”.

Một số hộ kinh doanh khách sạn cũng cho biết đang trong tình trạng “cầm cự” để chờ cơ hội khởi động lại. Trên con phố Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi đã từng sầm uất khách du lịch qua lại nay chỉ còn vài khách sạn và nhà hàng tiếp tục mở cửa. Trước những cánh cửa đã đóng từ lâu đến bám bụi, chủ khách sạn treo một tấm biển nhỏ: “Có phòng cho thuê 200.000 - 700.000 đồng”.

Theo chia sẻ của chủ khách sạn, do không có khách nên đành cho thuê theo giờ hoặc theo ngày để các nhóm bạn trẻ hay ê-kíp chụp ảnh cưới đến chụp ảnh. Doanh thu không đáng bao nhiêu nhưng cũng phần nào giúp khách sạn duy trì hoạt động. Khách sạn này đã cho nhân viên bài trí lại một chút ở sảnh, tủ rượu và quầy bar để cho khách có nhiều góc chụp đa dạng hơn.

Chủ các khách sạn tâm sự, hiện họ chỉ có thể dùng nguồn tiền tích góp bao năm để duy trì hoạt động, trả các chi phí điện nước, còn tiền lương cho nhân viên đang thực sự trở thành một gánh nặng lớn. Một số nơi đã đóng cửa từ nhiều tháng nay, toàn bộ nhân viên cũng đã nghỉ không lương và chưa tính được ngày quay trở lại.

Động lực để hộ kinh doanh vượt khó mùa dịch
Nhiều hộ kinh doanh phải đóng cửa vì dịch bệnh.

Kịp thời hỗ trợ hộ kinh doanh vượt qua đại dịch

Trước tình hình khó khăn của các hộ kinh doanh, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6 (ngày 1/7), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Tổng mức hỗ trợ của gói lần này khoảng 26.000 tỉ đồng.

Trong nhóm 12 chính sách theo Nghị quyết số 68, có một số chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ kinh doanh và người lao động, người sử dụng lao động. Cụ thể, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Bên cạnh đó còn có chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Cụ thể, đối với cho vay trả lương ngừng việc, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022.

Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Đối với cho vay trả lương phục hồi sản xuất, người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Ngay khi Nghị quyết này được công bố, một số hộ kinh doanh đã bày tỏ vui mừng trước những chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Một hộ kinh doanh chia sẻ: Trong giai đoạn cả nền kinh tế đang khó khăn vì đại dịch, sự hỗ trợ kịp thời bằng những chính sách thiết thực như hỗ trợ tiền mặt, cho vay trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất với lãi suất 0% sẽ là những động lực quý giá để người lao động, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua dịch bệnh.

Tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ mong muốn những chính sách này sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến tay các đối tượng hỗ trợ đạt được hiệu quả hỗ trợ cao nhất.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại