Dòng chảy phương Bắc 2: Bản chất của cuộc chiến giành giật thị trường khí châu Âu
Châu Âu khó có khả năng từ bỏ dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, mặc dù có thể hoãn triển khai trong vài năm.
Tình hình bất ổn chính trị được thúc đẩy bởi chính quyền Mỹ với mục tiêu chính là gây sức ép đối với các nhà nhập khẩu châu Âu chuyển sang mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ thay thế cho nguồn khí đốt đường ống từ Nga, sau đó dần phá hủy nền kinh tế EU.
Xác suất loại bỏ dự án thấp
Chủ tịch Hiệp hội các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga-châu Á Vitaly Mankevich cho biết, châu Âu chỉ có thể loại bỏ dự án này của Gazprom trong trường hợp Nga vượt qua “ranh giới đỏ” trong hệ thống định vị của Liên minh, chẳng hạn như đưa quân đội vào lãnh thổ Belarus.
Thực tế thì xác suất loại bỏ dự án cũng khá thấp vì điều này cần sự đồng ý của từng quốc gia thành viên EU. Chuyên gia năng lượng Igor Yushkov của công ty Quỹ An ninh năng lượng quốc gia cho biết, cách duy nhất để cấm vận hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc 2 là áp đặt các biện pháp trừng phạt chính thức.
Các biện pháp này không xuất phát từ Đức mà phải xuất phát từ Hội đồng châu Âu, nơi cần sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Tuy nhiên, áp lực thông tin rõ ràng từ phía Mỹ liên quan đến việc xây dựng đường ống cũng như những luận điệu chống Nga trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần có thể gây ra những tác động tiêu cực.
Việc chính giới EU đưa ra quyết định về số phận của dự án có thể chỉ đóng vai trò thụ động, cho phép các bên quan tâm dự án dần vô hiệu hóa Dòng chảy phương Bắc 2 là đủ. Có nghĩa là, nguyên nhân hủy bỏ dự án khí đốt (bỏ qua vai trò của Ukraine trong cung cấp khí đốt cho Áo, Czech và nhiều quốc gia Trung Âu khác thông qua lãnh thổ Đức) chính là áp lực địa chính trị, xuất phát từ những lập luận của Mỹ, xoáy sâu vào những rủi ro kinh tế vĩ mô.
Trước hết, những tổn thất từ việc hủy bỏ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tác động trực tiếp đến các công ty, tổ chức tham gia trực tiếp và hỗ trợ dự án. 5 đối tác năng lượng hàng đầu châu Âu - đối tác của Gazprom trong Dòng chảy phương Bắc 2 đã đầu tư gần 1 tỷ Euro trong triển khai dự án (tức gần như toàn bộ chi tiêu vốn cho dự án). Tổng cộng đã có 670 công ty từ 25 quốc gia tham gia Dòng chảy phương Bắc 2.
Shell, Engie, OMV, Wintershall và Uniper đã cung cấp cho Gazprom khoản tín dụng được bảo lãnh bởi cổ phiếu của công ty, nhà điều hành Nord Stream 2 AG, trị giá 4,5 tỷ Euro.
Theo kế hoạch, khoản vay này sẽ được hoàn trả bằng doanh thu từ hoạt động vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 không phải từ phía Gazprom. Các tập đoàn Engie (Pháp) và Uniper (Đức) cũng đã thông báo, rủi ro lớn nhất của họ là không thể hoàn vốn cho vay nếu Dòng chảy phương Bắc 2 chưa được hoàn thành.
Về phía Đức, trong ngắn hạn, việc dự án chưa thể hoàn thành đang gây thiệt hại cho tập đoàn Wintershall, đã cung cấp tín dụng cho Gazprom. Thiệt hại của Wintershall và các công ty dầu khí nhỏ hơn cần phải được đền bù và có thể người dân đóng thuế phải trả. Hậu quả là sự bất bình của người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Đức.
Ủy viên Ủy ban các vấn đề quốc tế tại Hạ viện Đức Waldemar Gerdt gần đây cho biết, trong trường hợp chính phủ Đức từ chối Dòng chảy phương Bắc 2 , Đức phải bồi thường cho tất cả các công ty tham gia dự án số tiền hơn 10 tỷ Euro.
Ngoài ra, bản thân nước Đức thực sự cần dự án này để chuyển sang mô hình năng lượng thân thiện với môi trường hơn. Hiện nước này đang đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than, từ bỏ dần năng lượng hạt nhân và mở rộng lĩnh vực truyền tải điện.
Triển vọng dài hạn cho thấy nền kinh tế Đức sẽ phải chịu thiệt hại từ việc hủy bỏ dự án. Nếu nguồn cung khí đường ống từ Nga bị cắt giảm, Đức có thể phải mua LNG của Mỹ với chi phí cao. Gia tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ có thể khiến Đức và EU tốn thêm chi phí từ 0,5 - 1 tỷ USD.
Ảnh hưởng theo cấp số nhân khi phải xây dựng cơ sở hạ tầng đường ống mới phục vụ các cảng LNG tại Đức có thể sẽ tiêu tốn ít nhất 200 - 300 triệu USD mỗi năm. Như vậy, tổng thiệt hại kinh tế đối với Đức sẽ từ 2,7 - 4,3 tỷ USD, tương đương 0,1% GDP của nước này.
Khó khăn chồng khó khăn
Tuy nhiên, điều này rất có thể là những gì phía Mỹ mong đợi cuối cùng và mục tiêu chính của Mỹ trong vấn đề này không phải là Nga.
Những tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về thủ lĩnh phe đối lập Navalny, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga và các mối đe dọa đối với Ukraine cho thấy, Mỹ sẵn sàng tìm mọi lý do để loại bỏ sự cạnh tranh trên thị trường khí đốt châu Âu và chiếm lĩnh thị phần.
Phía Mỹ dường như đã thành lập một liên minh để ngăn chặn việc hoàn thành Dòng chảy phương Bắc 2. Logic của phía Mỹ sẽ là: cô lập nguồn cung khí đốt của Nga trên đường ống dẫn khí qua lãnh thổ Ukraine. Tiếp theo bằng cách nào đó sẽ ngừng vận chuyển khí đốt qua Ukraine. Ví dụ như cấm mọi quan hệ kinh tế với tập đoàn Gazprom. Vì khi thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, Mỹ có thể bán LNG cho thị trường này với giá cao hơn.
Trong khi những áp lực cấm vận và địa chính trị đang ngày càng gia tăng lên dự án, một số nguồn tin cho biết, tàu lắp đặt đường ống “Akademik Chersky” đang trong thời gian nâng cấp tại cảng Mukran, Đức. Các thiết bị điều hướng và điều khiển đang được thay thế. Các cần trục của 3 cần cẩu trên tàu cũng đang được điều chỉnh thông số để phù hợp với hoạt động lắp đặt Dòng chảy phương Bắc 2 .
Ngoài ra, các hạng mục khác như: tời, neo, thiết bị kiểm tra, hàn mới, máy phát điện, hệ thống chống ồn cũng đang được lắp đặt. Toàn bộ khối lượng công việc được dự báo sẽ hoàn thành nhanh nhất trong tháng 10 tới.
Theo Teknoblog, điểm đáng chú ý là toàn bộ nhân viên tham gia quá trình hiện đại hóa tàu “Akademik Chersky” được cách ly hoàn toàn với giới báo chí. Tuy nhiên, hiện đại hóa không phải là công việc duy nhất. Con tàu cần phải được cấp chứng nhận bảo hiểm để hoạt động.
Một thông tin tiêu cực là Hiệp hội các nhà bảo hiểm tàu quốc tế đã ban hành văn bản bày tỏ sự quan ngại về lập trường của Mỹ trong việc tăng cường các điều khoản trừng phạt đối với các nhà cung cấp tàu, dịch vụ, bảo hiểm liên quan đến xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 và TurkStream.
Theo Ria Novosti, Gazprom đã có sự chuẩn bị khi việc bảo hiểm cho tàu “Akademik Chersky” được tiến hành bởi một công ty của Nga, vốn đã chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng, phía Đan Mạch yêu cầu bảo hiểm quốc tế cho các tàu đặt ống trên vùng biển của mình. Đây sẽ là rủi ro lớn cho tiến độ của Dòng chảy phương Bắc 2 khi phía Đan Mạch có thể cấm hoạt động đặt ống với lý do không có bảo hiểm quốc tế.
Khó khăn tiếp tục chồng khó khăn đối với Dòng chảy phương Bắc 2. Theo trang tin theo dõi hàng hải MarineTraffic, sà lan Fortuna, vốn có vai trò hỗ trợ tàu Akademik Chersky hoàn thành dự án đã rời cảng Rostock đến cảng Wismar. Winsmar nằm ở vị trí xa hơn so với đảo Bornholm và vị trí lắp đặt còn dang dở của dự án.
Mặc dù phía Đan Mạch đã cấp phép định vị neo cho Fortuna, song chủ sở hữu sà lan này - công ty MRTS trước đó thông báo sẽ không tham gia vào công việc đặt ống. Và hiện tại Fortuna đã di chuyển khỏi địa điểm bắt đầu công việc với khoảng cách khá xa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận