Dong A Bank trước thềm ĐHĐCĐ bất thường diễn ra ngày mai
Ngày mai (12/10) cuộc họp cổ đông bất thường năm 2019 của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến diễn ra tại TP.HCM...
Một trong những nội dung được DongA Bank đưa ra gây chú ý tại ĐHĐCĐ bất thường lần này là Ngân hàng này sẽ trình cổ đông phương án chào bán cổ phần riêng lẻ để bổ sung vốn điều lệ. Đây là lần đầu tiên DongA Bank tổ chức họp ĐHĐCĐ sau 4 năm kể từ khi bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt tháng 7/2015.
Âm vốn chủ sở hữu
Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ về ban hành Danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng và Nghị định số 10/2011/NĐ-CP ngày 26/01/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 141/2006/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của ngân hàng thương mại cổ phần là 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu đã kiểm toán của Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, tính đến hết năm 2018, kết quả hoạt động kinh doanh của DongA Bank có lỗ lũy kế, nguồn vốn chủ sở hữu bị âm.
Trong tài liệu ĐHĐCĐ bất thường vừa được công bố, HĐQT DongA Bank cho hay, để bù đắp âm vốn chủ sở hữu, đảm bảo DongA Bank có giá trị thực của vốn điều lệ đạt mức vốn tối thiểu bằng vốn pháp định theo quy định là 3.000 tỷ đồng, DongA Bank phải thực hiện bổ sung vốn điều lệ đảm bảo đáp ứng đúng quy định của pháp luật.
Sở dĩ DongA Bank âm vốn chủ sở hữu và rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt là do ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng, và các đồng phạm đã gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng cho DongA Bank, tòa y án ông Bình tù chung thân.
Tuy nhiên, DongA Bank đã không công bố báo cáo tài chính năm 2018 mà chỉ cho biết, tính đến hết tháng 10/2018, tỷ lệ thanh khoản của DongA Bank vẫn được duy trì ở mức cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 20,98% (so với quy định của NHNN là 10%); tỷ lệ khả năng chi trả 30 ngày đối với VND là 71% (so với quy định là 50%), đối với ngoại tệ là 73,92% (so với quy định là 10%). Các con số khác không được công bố.
DongA Bank đến nay cũng đã thu hồi hơn 17.000 tỷ đồng nợ xấu tính từ khi bị kiểm soát đặc biệt, số còn lại khoảng 24.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, nhờ số nợ xấu đã thu hồi trên, ngân hàng cải thiện được rất nhiều về chất lượng hoạt động, đảm bảo thanh khoản.
Ngoài ra, huy động vốn từ khách hàng cũng tăng tốt. Tổng huy động vốn từ khách hàng đến ngày 31/8 đạt 62.286 tỷ đồng, tăng 1.432 tỷ đồng so với đầu năm 2019.
Trong đó tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn và nguồn tiền gửi trung, dài hạn tăng giúp DongA Bank đảm bảo được nguồn vốn để phát triển kinh doanh cũng như đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn cho vay trung và dài hạn theo quy định.
Dư nợ khách hàng cá nhân cũng phục hồi và chiếm tỷ trọng 43,5% trong tổng dư nợ. Luỹ kế trong 8 tháng đầu năm nay, nguồn thu từ dịch vụ đạt hơn 329 tỷ đồng, còn lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt trên 57 tỷ đồng.
Phát hành cổ phiếu để bù đắp âm vốn, liệu có thành công?
Tờ trình tăng vốn do ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT DongA Bank ký cho biết, trên thực tế, căn cứ vào tính hình hoạt động hiện nay, DongA Bank chỉ có thể thực hiện tăng vốn từ nguồn phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc phát hành riêng lẻ.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại, ngân hàng này không thể thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu vì không đáp ứng các điều kiện là hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
Vì thế, DongA Bank chỉ có thể chọn hình thức phát hành còn lại là chào bán cổ phần riêng lẻ.
Theo đó, DongA Bank sẽ chào bán với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho dưới 100 nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong tài liệu DongA Bank đưa ra, hiện chưa có con số cụ thể số lượng cổ phiếu dự kiến chào bán.
HĐQT DongA Bank cho biết sẽ chỉ chào bán đủ số lượng cổ phần để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ DongA Bank đáp ứng tối thiểu bằng mức vốn pháp định.
Trước những lo ngại về việc DongA Bank đang bị kiểm soát đặc biệt nên cổ đông, nhà đầu tư sẽ không mấy mặn mà trong việc bỏ thêm tiền đầu tư, liệu Ngân hàng có phát hành riêng lẻ thành công, một lãnh đạo trong ngành ngân hàng cho hay, DongA Bank đã có phương án phát hành riêng lẻ huy động vốn trình NHNN.
DongA Bank cũng cho biết thêm, nếu tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để tiến hành ĐHĐCĐ bất thường ngày 12/10, Ngân hàng sẽ tiến hành tổ chức đại hội bất thường lần thứ hai vào ngày 17/10 tới.
Trước đó, khi bị đưa vào diện kiểm soát, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của DongABank. Trong trường hợp đặc biệt, NHNN sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt.
Ngân hàng DongA Bank cũng đã phải hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trên thị trường hiện đang xuất hiện thông tin khả năng DongA Bank sẽ sớm về cùng nhà với Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch sáp nhập DongA Bank, phía HDBank vẫn chưa có bình luận gì về thương vụ này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận