Đơn hàng tới tấp, không có sức làm: Năm mới sợ nhất nhân viên xin nghỉ
Năm 2022, các doanh nghiệp nội đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh kinh tế. Bất chấp những khó khăn mà dịch Covid-19 đã gây ra, doanh nghiệp ngoại vẫn có xu hướng mở rộng phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Đơn hàng đến tới tấp, chỉ sợ không có sức làm
Cầm tờ đơn nghỉ phép của người lao động trên tay, nét mặt Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM) - ông Trần Thanh Sơn, thể hiện sự lo lắng.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của công ty kéo dài tới mùng 10 tháng Giêng. Lịch nghỉ nhiều ngày do công nhân năm qua thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” liên tục, lao động cũng dồn phép vào dịp lễ cuối năm. 70% người lao động ở các tỉnh miền Tây nên DN lo công nhân quay lại đi làm trễ, ảnh hưởng tiến độ sản xuất.
Không lo sao được khi các đơn hàng đang đến tới tấp sau khi quay lại guồng sản xuất trong “bình thường mới”. Với 100% sản phẩm thời trang xuất Mỹ, công ty này đã ký các hợp đồng tới tháng 6/2022, lượng xuất trung bình khoảng 4 container/tháng.
“Hiện nhà máy có 5 dây chuyền, mỗi dây chuyền cần khoảng 35 thợ may nhưng hiện chỉ đạt từ 25-27 thợ. Lượng khách đặt hàng dồi dào, chỉ sợ không có sức mà may”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, đơn vị này yên tâm phần nào vì 3 tháng cuối năm, mức thu nhập của người lao động tăng 30% so với trước. Bất chấp khó khăn do dịch bệnh, mỗi người vẫn được thưởng Tết trung bình 1 tháng lương. Đó là những yếu tố “giữ chân” người lao động cho năm sản xuất mới 2022.
Tin tích cực không chỉ đến với DN dệt may. Với DN cơ khí, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TP.HCM (Hamee) ông Đỗ Phước Tống thông báo tín hiệu vui. Các DN thành viên phục hồi gần như hoàn toàn, cá biệt một số DN tăng trưởng dương, tức là đi vào chu kỳ phát triển luôn.
Theo kết quả khảo sát của UBND TP.HCM, các DN dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý I/2022 khả quan, với 74,3% DN dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021 (38,3% tăng và 36% giữ nguyên); 25,7% DN dự báo giảm. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng là dấu hiệu cho thấy nhu cầu của khách hàng nước ngoài đang dần cải thiện.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) - ông Lê Hữu Nghĩa kỳ vọng vào năm 2022 bởi hai yếu tố chính. Một là, Việt Nam là quốc gia có độ phủ vắc xin tốt, như vậy mọi hoạt động sản xuất sẽ trở lại bình thường. Khi nền kinh tế bị nén chặt một thời gian, độ bật sẽ rất nhanh. Hai là, Chính phủ có gói hỗ trợ mà Quốc hội thông qua, đây là nguồn lực cho các DN vực dậy, đưa nền kinh tế phát triển trở lại.
Vào quý I và quý II/2022 có thể còn ảnh hưởng nhưng sản xuất kinh doanh của các DN đang trên nhịp đà. Khả năng trong quý III và quý IV sẽ phát triển tốt để tạo nền tảng cho năm 2023.
Với những dự đoán trên, Phó Chủ tịch Huba kiến nghị các cấp chính quyền thực sự có đợt cải cách thủ tục hành chính sâu rộng sau đại dịch, đồng hành cùng DN trong năm mới 2022 để mở cửa thoáng nhất, với các thủ tục đơn giản nhất.
Doanh nghiệp nước ngoài giữ niềm tin
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD.
Trao đổi với PV. VietNamNet, đại diện doanh nghiệp FDI - bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam và Malaysia, khẳng định, dịch Covid-19 lần thứ tư, TP.HCM bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, Chính phủ có những chỉ đạo và các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế với chủ trương “an toàn mới sản xuất và sản xuất phải an toàn”. Đây là sự lựa chọn thận trọng, an toàn.
Ưu tiên tiêm ngừa cho công nhân tại các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao. Đây chính sách được các DN đánh giá cao, giúp người lao động yên tâm khi sản xuất “3 tại chỗ”.
Năm 2022, Intel mong muốn cải thiện quy trình thủ tục hành chính, khắc phục việc xử lý thủ tục, cấp phép còn chồng chéo. Các quy định mới/cũ phải được cụ thể hóa và nhà chức trách cần nhìn rõ vai trò hỗ trợ các DN của mình.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần sớm ban hành hướng dẫn đồng bộ cho việc nhập cảnh để các chuyên gia nước ngoài được vào Việt Nam; đưa lao động đi đào tạo ở nước ngoài; hướng dẫn hộ chiếu vắc xin cụ thể để DN hiểu rõ quy định và có kế hoạch di chuyển quốc tế, tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
“Tôi tin môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn có một số lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Thành công của Chính phủ trong nỗ lực đạt mục tiêu tiêm vắc xin cho toàn dân là lợi thế lớn. Ngoài ra, kế hoạch ứng phó và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 hậu giãn cách đã giúp cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài yên tâm hơn”, bà Uyên chia sẻ.
Đối với các DN ngoại thuộc lĩnh vực bán lẻ, Tổng giám đốc Aeon Việt Nam - ông Furusawa Yasuyuki - dự báo kinh tế Việt Nam sẽ dần phục hồi và phát triển trong năm 2022. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP Việt Nam trong quý IV/2021 tăng 5,22% so với cùng kỳ 2020.
Thị trường tiêu dùng nội địa sẽ trở lại bình thường ngay trong quý I/2022. Mấu chốt của sự phục hồi này là sự khôi phục dân số tại khu vực thành thị.
Kể từ tháng 5/2021, thời gian cao điểm đại dịch Covid-19, nhiều người dân đã rời TP.HCM trở về quê, ông Furusawa Yasuyuki dự đoán sau Tết Nguyên đán 2022, mọi người sẽ quay trở lại TP. Do đó, lượng người tiêu dùng tăng. Lãnh đạo Aeon Việt Nam kỳ vọng sức mua cũng như các hoạt động bán lẻ hồi phục vào cuối năm 2022, ở mức tương đương cùng kỳ 2019.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại của Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam, thể hiện sự lạc quan với tốc độ tiêm vắc xin thần tốc trong nước. Cùng với đó, cơ quan nhà nước chủ động mở cửa trở lại mọi hoạt động kinh tế, kèm theo việc phát động các chương trình kích cầu mua sắm. Bà nhận định, ngành bán lẻ phục hồi mạnh trong năm nay.
Năm 2022, nhà bán lẻ Thái Lan này sẽ bắt tay với nông dân cả nước lên kế hoạch, phát triển nguồn hàng, sản lượng để đẩy mạnh tiêu thụ nội địa. Song song đó, xây dựng vùng nguyên liệu hướng đến xuất khẩu nông sản Việt Nam sang chuỗi các siêu thị trong tập đoàn tại Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á, tại châu Á.
Kết quả Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2021, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, mới công bố cho thấy:
Tại Việt Nam, bất chấp ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tỷ lệ các DN Nhật dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh năm 2021 là 54,3% (tăng 4,7 điểm so với năm trước). Tỷ lệ DN bị lỗ là 28,6% (giảm 1,5 điểm).
Đáng chú ý, về định hướng phát triển kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam, tỷ lệ DN Nhật Bản trả lời sẽ “mở rộng” là 55,3% (tăng 8,5 điểm so với năm 2020). Tỷ lệ này đứng đầu ASEAN, chỉ xếp sau Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Tỷ lệ DN trả lời sẽ “thu nhỏ” hoặc “chuyển/rút sang quốc gia (khu vực) thứ ba” là 2,2% (giảm 3,9 điểm so với năm 2020). So với các quốc gia, khu vực khác thì tỷ lệ này thấp, chỉ sau Pakistan.
Các DN Nhật Bản kỳ vọng vào “tăng doanh thu tại thị trường nước sở tại”; “tiềm năng và tăng trưởng cao”; “tăng doanh thu do mở rộng xuất khẩu” tại thị trường Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận