Đón dòng vốn đầu tư mạo hiểm quay trở lại
Hàng loạt quỹ đầu tư quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến tiềm năng dòng vốn đầu tư mạo hiểm.
Top 3 vốn đầu tư mạo hiểm
Dữ liệu mới nhất từ DealStreetAsia cho thấy, đã có 15,82 tỷ USD vốn đầu tư khởi nghiệp được huy động ở Đông Nam Á vào năm 2022. Trong đó, Singapore chiếm phần lớn với 61,9%, Indonesia với 23,8% và Việt Nam với 4,5%. Ba quốc gia này được đánh giá là "tam giác vàng" để phát triển start-up ở Đông Nam Á.
Tại Vietnam Venture Summit 2022 với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”, 39 quỹ đầu tư khởi nghiệp cam kết đầu tư vào Việt Nam 1,5 tỷ USD trong 3 năm 2023-2025. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong giai đoạn này dự kiến đạt 5 tỷ USD.
Thời gian qua, thị trường Đông Nam Á được đánh giá là tiềm năng do một số yếu tố chính như: tốc độ tăng trưởng của khu vực dự kiến duy trì ở mức 4-5%/năm; quy mô thị trường lớn với 680 triệu dân; mức độ phủ Internet sâu rộng, tổng giá trị hàng hóa của kinh tế số dự đoán đạt 200 tỷ USD trong năm 2022, sớm 3 năm so với các dự đoán trước đó. Đông Nam Á tiếp tục chứng kiến tăng trưởng về số lượng người dùng Internet - với 20 triệu người dùng mới vào năm 2022, nâng tổng số người dùng Internet lên 460 triệu người.
Các quỹ đầu tư quốc tế có chung nhận định là Việt Nam đang nổi lên như điểm đến tiềm năng cho các dòng vốn đầu tư mạo hiểm. Đây là cơ hội để các start-up Việt vươn lên đón nhận sự dịch chuyển mạnh mẽ của dòng vốn toàn cầu.
Theo ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư ViCpak, dòng vốn năm 2023 sẽ quay trở lại, chắc chắn sẽ cao hơn năm 2022, nhưng vẫn còn khá chậm. Do vậy, thời điểm này, các công ty có khả năng tự sinh tồn và không quá phụ thuộc vào việc gọi vốn thì sẽ có cơ hội tốt để trụ được tới năm 2024 - 2025. Lúc đó dòng vốn có thể quay trở lại ào ào.
Còn ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures cho biết, Việt Nam được đánh giá là viên ngọc quý của Đông Nam Á, tiếp tục là thỏi nam châm thu hút dòng vốn toàn cầu. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn lạc quan đầu tư vào các start-up Việt Nam. Golden Gate Ventures đang đầu tư rất mạnh vào Việt Nam và đã có 10 dự án ở đây, hy vọng sẽ tăng gấp đôi trong 1 - 2 năm tới.
Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là "đất lành" cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Vốn sẽ đổ vào lĩnh vực nào?
Giai đoạn 2023-2025 sẽ không còn những dòng tiền dễ dàng. Các dự báo đều cho thấy, dòng vốn sẽ ưu tiên start-up trong các lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), phương tiện xanh, công nghệ y tế (healthtech), nông nghiệp (agritech), những lĩnh vực gắn với công nghệ mới, duy trì tăng trưởng tích cực và xu hướng bền vững.
“Đối với những quỹ ít kinh nghiệm về thị trường Việt Nam, họ sẽ tập trung vào những lĩnh vực quen thuộc như thương mại điện tử, fintech, healthtech, công nghệ giáo dục (edutech)... Việc số hóa các trụ cột kinh tế truyền thống mang đến cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Vinnie Lauria nhận định.
Tương tự, ông Jalil Rasheed, chuyên gia đến từ Viện Tony Blair cho biết, các dự báo đều cho thấy dòng vốn đầu tư mạo hiểm dịch chuyển về khu vực Đông Nam Á và chảy về các lĩnh vực như tài chính, giáo dục và y tế.
“Việt Nam đang củng cố danh tiếng của mình như một ngôi nhà an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư mạo hiểm, đặc biệt trong lĩnh vực fintech và thương mại điện tử”, ông Jalil Rasheed nhấn mạnh.
Còn ông Trịnh Minh Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VTI thì cho rằng, edutech luôn là ngành mà start-up và các nhà đầu tư tập trung, vì ai cũng phải đi học. Tiếp theo là ngành du lịch.
Dưới góc độ quỹ đầu tư, bà Lê Huỳnh Kim Ngân, Giám đốc quỹ ThinkZone Ventures chia sẻ, lĩnh vực sẽ thu hút đầu tư trong năm 2023 sẽ là fintech và edutech. Bất chấp thị trường có nhiều biến động, nhưng dòng vốn rót vào start-up thuộc các lĩnh vực này vẫn khá ổn định. Bên cạnh đó, an ninh mạng và Internet vạn vật cũng đang dần thu hút được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư.
Nhận định của các chuyên gia là có cơ sở khi fintech và edutech là 2 lĩnh vực có sự ổn định khá bền vững ngay cả trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn” của start-up. Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 3 năm gần đây, vốn đầu tư vào fintech đạt khoảng 462 triệu USD, edutech là hơn 100 triệu USD. Quy mô ngành fintech của Việt Nam cũng đã tăng mạnh từ 39 công ty vào năm 2015, lên đến hơn 260 start-up vào năm 2022. Theo Robocash Group, thị trường fintech Việt Nam có thể đạt mức giá trị lên đến 18 tỷ USD vào năm 2024.
Bên cạnh các lĩnh vực trên, theo bà Kim Ngọc Thanh Nga, Trưởng ban Phát triển hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), năm 2023 và trong giai đoạn tiếp theo, một ngành công nghệ mà Việt Nam chắc chắn phải tập trung là công nghệ xanh để phục vụ cho nhiệm vụ tăng trưởng xanh và tăng trưởng bền vững. Nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia thị trường cũng đang tiếp cận các start-up, thiết lập chương trình để hỗ trợ start-up phát triển nền tảng công nghệ như vậy.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận