menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thanh Cường

Đối phó với tình trạng FDI trốn thuế

Số liệu tổng hợp chung của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính cho thấy, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các DN FDI tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, tỷ lệ DN báo lỗ, lỗ luỹ kế và lỗ mất vốn qua các năm vẫn tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Điều đó

DN FDI hoạt động thuận lợi, đóng góp hạn chế

Theo số liệu từ Sách Trắng DN Việt Nam năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tốc độ tăng doanh thu thuần của khu vực FDI đạt cao nhất (năm 2018 tăng 17,5% so với năm 2017) và chiếm gần 1/3 tổng doanh thu thuần của 3 loại hình DN. Bên cạnh đó, khu vực FDI cũng tạo ra lợi nhuận cao nhất trong toàn bộ khu vực DN với hơn 381.000 tỷ đồng, chiếm 42,6%.

Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2011-2017 do Bộ Tài chính thực hiện cũng cho thấy, quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI luôn duy trì tăng trưởng ở mức cao. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn này xoay quanh mức 15-30%; riêng trong năm 2017, doanh thu của khu vực DN FDI tăng 28% so với năm 2016. Tốc độ tăng doanh thu qua các năm cũng cao hơn tốc độ tăng tài sản và tốc độ tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI rất thuận lợi.

Tuy nhiên, nghịch lý ở đây là số lượng DN FDI báo lỗ cũng tăng cao, kéo theo đó, tốc độ tăng về số nộp NSNN cũng chưa tương xứng. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 – 2017, tỷ lệ DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44-52%; đặc biệt năm 2017 lên cao nhất là 52% trên số lượng DN có báo cáo. Đáng chú ý là tốc độ tăng quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ luỹ kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ luỹ kế, cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng, phức tạp.

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho thấy, tốc độ tăng về số nộp NSNN (7%) của khu vực FDI năm 2017 so với năm 2016 thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế (19,2%) và lợi nhuận sau thuế (22,6%), cho thấy đóng góp vào NSNN của DN FDI tăng trưởng chậm hơn so với tăng trưởng của năng lực hoạt động. Rõ ràng, tốc độ tăng mức đóng góp vào NSNN quá thấp so với tốc độ tăng lợi nhuận là chưa tương xứng với nguồn tài nguyên và kết quả sản xuất kinh doanh thực tế của khu vực DN FDI.

Nghiên cứu “Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập DN FDI tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố đã chỉ ra thực trạng khu vực FDI có nhiều cơ hội và do vậy đã trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực DN trong nước. Trung bình giai đoạn 2013-2017, mức thuế thất thu mỗi năm từ khu vực FDI cao hơn so với DNNN lên tới hơn 7.000-8.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4-4% tổng số thu thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, mặc dù số thất thu của khu vực DN ngoài nhà nước cao hơn một chút so với khu vực FDI, song nếu tính bình quân mỗi DN, mức thất thu thuế từ DN FDI cao gấp vài chục lần so với DN ngoài nhà nước.

Sở dĩ khu vực DN FDI có nhiều cơ hội để trốn và tránh thuế hơn, là do khối này được hưởng nhiều ưu đãi về thuế thu nhập DN khi đầu tư lớn vào các ngành, lĩnh vực ưu đãi và đặc biệt ưu đãi đầu tư. Nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng DN FDI chiếm 76% tổng số thuế thu nhập DN được miễn giảm hàng năm.

Chính sách linh hoạt để tránh gây sốc

Nhóm nghiên cứu của VEPR đã chỉ ra cách thức chuyển giá điển hình mà các DN FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca – Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…); hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...).

TS. Nguyễn Hoàng Oanh - Đại học Kinh tế quốc dân phân tích thêm, DN FDI đa quốc gia thường né thuế bằng cách chuyển nợ quốc tế. Hành vi này thể hiện ở việc, một chi nhánh ở nước có thuế suất thấp cho vay nợ đối với chi nhánh ở nước có thuế suất cao, từ đó có cơ hội phân bổ nợ nội bộ giữa các chi nhánh, công ty con trong công ty lớn. Việc phân bổ nợ này sẽ dẫn đến tình trạng làm giảm nghĩa vụ thuế của DN.

Trong giai đoạn 2010– 2018, lượng vốn FDI chảy vào Việt Nam liên tục tăng. Tuy nhiên, có tới khoảng 28% dòng vốn này đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức thuế thu nhập DN rất thấp hoặc bằng 0 trong cùng giai đoạn, như Singapore, Hồng Kông, quần đảo Virgin (Vương quốc Anh), quần đảo Cayman… Do vậy, rất có thể các DN quốc gia đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ kể trên có hành vi chuyển lợi nhuận từ Việt Nam sang các nơi đó nhằm giảm bớt mức thuế đáng ra phải nộp ở Việt Nam.

Để ngăn chặn tình trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp dụng mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế 20% theo tinh thần của Nghị định 20/2017/NĐ-CP nên tiếp tục áp dụng với các DN FDI. Thậm chí để giảm động cơ trốn và tránh thuế qua kênh chuyển lãi vay trong dài hạn, Việt Nam cũng nên có lộ trình thắt chặt tỷ lệ này. Cùng với đó là phối hợp chặt chẽ với các nước trong việc phòng chống trốn và tránh thuế.

Tuy nhiên với các DN trong nước, giới chuyên gia kiến nghị nên nới tỷ lệ này. Bởi thực tế là thời gian qua, các công ty đa quốc gia hầu như không có phản ứng trước quy định này, mà chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty trong nước. Được biết hiện Bộ Tài chính cũng đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP theo hướng nới trần chi phí lãi vay để khấu trừ thuế lên 30%, song lại không có quy định hồi tố đối với những khoản thuế mà DN đã phải nộp trong năm 2017 và 2018. Mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; bù trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả