Đối phó với dịch nCoV, thêm làn sóng giảm lãi suất tại châu Á?
Nhiều ngân hàng trung ương khu vực châu Á đã và đang xem xét giảm lãi suất để đối phó với ảnh hưởng của dịch nCoV.
Tại châu Á, Trung Quốc là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất và tập trung nhất của bệnh dịch nCoV. Ngân hàng trung ương nước này đầu tháng 2/2020 cũng đã có quyết định giảm lãi suất, bơm mạnh tiền vào hỗ trợ nền kinh tế.
Theo cập nhật từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, tại thời điểm này, nhiều ngân hàng trung ương khu vực châu Á cũng có khả năng sẽ hạ lãi suất nhằm đối phó với ảnh hưởng của bệnh dịch trên đối với nền kinh tế.
Trong những ngày vừa qua, lần lượt Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) hạ lãi suất từ 1,25% xuống mức thấp 1,0%; tiếp theo là Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) hạ lãi suất từ 4,0% xuống 3,75%.
Bên cạnh đó, Cơ quan Tiền tệ Singapore cho biết có đủ khả năng cắt giảm lãi suất và Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng điều chỉnh chính sách nếu cần thiết.
Đó là những chuyển động mới của lãi suất trong khu vực, sau khi đã có làn sóng cắt giảm mở rộng trong năm 2019. Theo cập nhật từ Khối nghiên cứu Ngân hàng BIDV vào cuối 2019, làn sóng này thu hút tới 60 ngân hàng trung ương với 113 lần cắt giảm lãi suất.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có lần giảm một bước nhẹ vào tháng 9/2019, cùng lần hạ trần lãi suất tiền gửi VND vào tháng 11/2019.
Còn hiện tại, hoạt động nổi bật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là tập trung hút bớt tiền về qua phát hành tín phiếu. Cập nhật đến hôm nay (11/2), với xấp xỉ 5.000 tỷ đồng hút thêm, tổng lượng tiền nhà điều hành hút bớt về từ cuối tháng 1/2020 đã lên tới gần 71.000 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận