Đổi mới thực hiện xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN ở Bắc Ninh
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp (KCN) hoạt động hiệu quả, Bắc Ninh còn nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn”, đẩy mạnh phát triển....
Với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh xác định thu hút đầu tư đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan toả thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận không tách rời
Song song với quá trình hình thành và phát triển các KCN, công tác cải cách hành chính cũng luôn được đặc biệt quan tâm. Là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO từ năm 2007, đến nay, công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) tại Ban Quản lý các KCN tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo đó, Ban thường xuyên nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị; rà soát các TTHC đã ban hành, sửa đổi, bổ sung và ban hành các TTHC mới phù hợp với thực tiễn. Song song với đó, công khai TTHC, cập nhật kết quả giải quyết TTHC trên trang điện tử của Ban và niêm yết công khai TTHC theo quy định tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Nghiêm túc thực hiện quy định về một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Theo Ban quản lý các KCN Bắc Ninh: Trong năm 2022 và đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ 100%, đồng thời tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ công trực tuyến theo các mức độ đã đăng ký. Sau khi tiến hành rà soát và công bố 43 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban, hiện tại tổng số dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của Ban là 18 TTHC, chiếm 44%/ tổng số TTHC, trong đó mức độ 3 là 13 TTHC (chiếm 30%); mức độ 4 là 05 TTHC (chiếm 14%). Số TTHC thực hiện “5 tại chỗ” trên tổng số 26 TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ là 10 TTHC, chiếm tỷ lệ 38%.
Bên cạnh đó, đồng hành cùng nhà đầu tư và doanh nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng gia có hiệu quả Tổ hỗ trợ doanh nghiệp; hàng quý tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư đối với các doanh nghiệp đến từ các nước có nguồn vốn đầu tư lớn tại tỉnh như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…
Hiện tại, Bắc Ninh có 16 KCN với 24 dự án hạ tầng KCN, trong đó có 16 dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đã đi vào hoạt động và 8 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng (FDI: 3 dự án; trong nước: 21 dự án) được Quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tổng diện tích 6.397,68ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 54%.
Trong hơn 2 năm qua, Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh đã thu hút được 395 dự án đầu tư (276 dự án FDI, 119 dự án trong nước), với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh đạt 5.208 triệu USD. Lũy kế đến nay, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 1.869 dự án thứ cấp, với tổng vốn đạt 24.469 triệu USD. Tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ có nền sản xuất công nghiệp tiên tiến, hiện đại, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ,... Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN đã góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hướng “xanh”, có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao”: Sử dụng ít đất, ít lao động; hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao.
Bắc Ninh sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhu cầu và lợi thế phát triển, phù hợp với định hướng phát triển gồm: Sản xuất, lắp ráp sản phẩm linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghệ cao, chế biến thực phẩm – đồ uống.
Cùng với đó, khuyến khích chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất; khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng sáng chế, sáng kiến từ doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu phát triển nước ngoài; nâng cao năng lực làm chủ công nghệ…
Hiện tỉnh đã xây dựng, phê duyệt và đang thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh, giai đoạn 2019-2025. Trong đó, không cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu, công nghệ tiêu tốn nguyên nhiên liệu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Bắc Ninh cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đang tiếp tục rà soát lại các quy hoạch KCN, cụm công nghiệp cho phù hợp, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước, bưu chính viễn thông, nâng cấp, mở rộng, các tuyến đường giao thông,… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầ tư, lấp đầy các KCN,… Thông qua đó, dựa trên các nguồn lực sẵn có để tận dụng làn sóng chuyển dịch đầu tư, hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao,… sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận