Đổi đá lấy đô-la từ hơn 50 quốc gia, doanh nghiệp Việt chốt lãi "khủng"
Công ty CP Vicostone (mã chứng khoán: VCS) - đơn vị thành viên của Tập đoàn Phenikaa vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính quý IV/2023.
Theo đó, doanh thu quý IV đạt 1.153,77 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 281,47 tỉ đồng và 236,88 tỉ đồng.
Dù doanh thu chỉ bằng 94,03% so với cùng kì năm 2022, nhưng lợi nhuận trước thuế của Công ty quý này ghi nhận mức tăng 8,90% và lợi nhuận sau thuế tăng 14,53% so với cùng kì năm 2022.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Vicostone lần lượt đạt 4.353,86 tỉ đồng và 999,44 tỉ đồng
Vicostone hiện là nhà sản xuất đá thạch anh nhân tạo lớn nhất tại Việt Nam và nằm trong top 3 thương hiệu đá thạch anh cao cấp thế giới, với thị trường trải dài trên 50 quốc gia tại 5 châu lục.
Kinh tế toàn cầu bấp bênh, áp lực cạnh tranh khốc liệt
Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn của kinh tế thế giới. Báo cáo mới nhất của tổ chức xếp hạng tín dụng uy tín Fitch Ratings cho rằng tăng trưởng GDP chung của thế giới sẽ đạt khoảng từ 2,5 - 3%, thấp hơn mức dự báo 3,3 - 3,5% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Là doanh nghiệp kinh doanh quốc tế, Vicostone chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Các thị trường trọng điểm của Vicostone đều chịu tác động lớn và ghi nhận mức tăng trưởng chậm trong năm 2023, đặc biệt là khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ. Ở các thị trường này, lãi suất cao tiếp tục là thách thức với thị trường bất động sản, hoạt động mua mới và xây sửa nhà ở. Giá nguyên vật liệu tăng khiến một số dự án chuyển sang sử dụng các vật liệu thay thế khác có giá thành thấp hơn so với đá nhân tạo gốc thạch anh, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của Vicostone tại thị trường nước ngoài.
Bên cạnh khó khăn chung từ tình hình kinh tế toàn cầu, Vicostone còn đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt với các dòng sản phẩm giá rẻ trong ngành. Thực tế tại các thị trường lớn trên thế giới, nguồn cung các sản phẩm đá nhân tạo đang gia tăng vượt quá mức tăng trưởng của nhu cầu, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá giữa các nhà sản xuất đá thạch anh.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ và Phòng Thương mại Canada, tính đến hết 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị quartz nhập khẩu vào Mỹ giảm 22,5% và vào Canada giảm 22,9% so với cùng kì năm 2022. Trong khi đó số lượng nhà sản xuất đá thạch anh trên thế giới tiếp tục gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nổi lên là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam và Malaysia.
Nhà sản xuất đá thạch anh top 3 thế giới giải bài toán tăng trưởng thế nào?
Trước những thách thức từ thị trường và bối cảnh vĩ mô, doanh nghiệp luôn chủ động và linh hoạt trong kinh doanh gồm củng cố nền tảng về con người, hệ thống, công nghệ, đồng thời kiểm soát và sử dụng hiệu quả chi phí để tối ưu hoạt động quản lí, vận hành doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của công ty mẹ - Tập đoàn Phenikaa, Công ty xây dựng bài bản chiến lược ESG với các mục tiêu và lộ trình cụ thể trên tổng thể các khía cạnh xã hội – môi trường – quản trị, áp dụng các bộ tiêu chuẩn uy tín như GRI Standard, CSI 100 nhằm đánh giá và đo lường hoạt động phát triển bền vững của Công ty.
Doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm đếm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, tài nguyên, thúc đẩy nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu mới thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế, tái sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm giảm phát thải ra môi trường, sẵn sàng thích ứng trong bối cảnh Châu Âu và một số quốc gia áp dụng thuế biên giới carbon. Đồng thời đẩy mạnh công tác quản trị hệ thống, tăng cường hệ thống truy xuất nguồn gốc để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đá thạch anh Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Theo Xuân Anh
An Ninh Tiền Tệ
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận