Độc lạ nghề 'chạy là có tiền' ở Sài Gòn
Mỗi ngày, ông Le chạy kéo dây hơn 10km để kiếm 150.000 đồng tiền công. 21 năm qua, dù vất vả, thu nhập thấp, ông Le vẫn cố bám trụ vì "không chạy là đói ăn".
Mỗi ngày chạy cả chục cây số!
5h sáng, chuông báo thức reo ing ỏi, vợ chồng ông Võ Văn Le (64 tuổi, quê An Giang, ngụ tại quận Bình Tân) bắt đầu một ngày quần quật với nghề chạy dây keo (bện thừng).
Từ những sợi dây nhỏ, rối như tơ vò, vợ chồng ông Le gỡ rối rồi chạy, bện thành những bó dây dài, to, theo mẫu. Nghe thì tưởng dễ nhưng công việc này không hề đơn giản và phải trải qua nhiều công đoạn "đổ mồ hôi, sôi nước mắt".
"Đợt dây này làm cực quá, cứ đứt hoài rồi lại xoắn hết vào nhau. Tôi đứng gỡ từng cọng rất tốn thời gian, ai nóng tính chắc không gỡ nổi. Gỡ xong thì cột 30 sợi dây lên cái cào", bà Quỳnh Thị Mà (58 tuổi, vợ ông Le) kể về công đoạn đầu tiên.
Gặp phải những cuộn dây dễ đứt hay xoắn vào nhau, bà Mà tốn nhiều thời gian tháo gỡ.
Sau một hồi loay hoay tháo gỡ từng sợi dây như đang chải mái tóc rối, bà Mà xem như tạm hoàn tất phần việc của mình. Tiếp theo là đến lượt ông Le xắn tay áo... chạy kéo dây.
"Chạy kéo dây là công đoạn cực nhất, đi tới đi lui ngoài nắng, mồ hôi ướt hết người nên hay nhức đầu, chóng mặt. Nắng thì cực, mưa thì không chạy được, không có tiền", ông Le tâm sự.
Dù lớn tuổi, ông Le chạy kéo dây nhanh thoăn thoắt.
Vừa kéo cái cào, ông Le vừa rảo bước nhanh thoăn thoắt chạy ra, chạy vào tổng cộng hơn 400m để mắc dây lên các giá đặt sẵn trong sân. Một ngày chạy kéo dây, người đàn ông 58 tuổi này chạy hơn 10km.
Vừa chạy xong, ông Le khởi động máy điện để bện các sợi dây nhựa vừa kéo vào nhau và cho ra lò những sợi dây keo (dây thừng) chắc chắn, bền bỉ. Cuối cùng, bà Mà hoàn tất công đoạn cuối cùng, buộc các dây đã bện xong thành bó trước khi giao cho chủ.
Trung bình một ngày, ông Le chạy hơn 10km.
Một lần chạy kéo dây, thợ lành nghề như vợ chồng ông Le mất khoảng 15 phút để cho ra lò 3-4 kg dây thành phẩm. Một ngày, ông Le, bà Mà và cậu con trai út có thể làm ra khoảng 100kg dây và được trả công gần 150.000 đồng/người.
"Công việc khá vất vả nhưng làm riết cũng quen, chỉ ngặt nỗi dầm mưa dãi nắng nhưng thu nhập thua xa công nhân làm công ty. Nhưng so với lúc làm ở quê, thế này đã là ổn, vợ chồng tôi cũng đành chấp nhận", người đàn ông 58 tuổi thở dài.
Ông Le chạy máy điện để bện các sợi dây vừa kéo vào nhau.
Cứ 3 - 4 ngày sẽ có thương lái đến tận nhà ông Le thu sản phẩm. Những bó dây thừng do gia đình ông Le và các hộ xung quanh làm ra sẽ được phân phối đi các tỉnh, thành, dùng làm lưới đánh cá và các vật liệu khác phục vụ cho nông nghiệp.
Những bó dây thành phẩm xếp gọn chờ chủ hàng đến lấy.
Vừa "chạy" vừa lo bị... đuổi
Ông Le cho biết đã gắn bó với nghề bện thừng từ những năm 10 tuổi, khi còn ở quê nhà Chợ Mới, An Giang. Ông học nghề từ các chú, bác trong gia đình nhưng làm thủ công, bện dây bằng tay nên sản lượng thấp, không đủ nuôi gia đình.
Ngày trước, mọi công đoạn đều làm hoàn toàn bằng tay chứ chưa có sự hỗ trợ từ máy móc.
21 năm trước, khi thấy thị trường dây thừng ở quê ngày càng thu hẹp, vợ chồng ông khăn gói lên TPHCM lập nghiệp. Cứ làm được một thời gian, vợ chồng ông lại bị "đuổi", lấy lại mặt bằng. Tính đến nay, ông đã bị "đuổi" 3 lần và có thể sắp bị "đuổi" tiếp.
"Ở thành phố có hàng làm quanh năm nhưng khó tìm được đất đủ diện tích để "chạy" mà giá thuê phải rẻ. Chúng tôi cứ ở chưa được bao lâu thì các chủ đất đều lấy lại đất để xây nhà kho, nhà trọ, bãi xe cho thuê, mang lại lợi nhuận cao hơn cho họ", ông Le giải thích.
Dây kéo phải thật thẳng để ra được những đoạn dây đẹp.
Hiện, mảnh đất vợ chồng ông đang thuê ở và chạy dây keo trên đường Liên khu 4-5 (quận Bình Tân) có giá thuê 2 triệu đồng/tháng. Ngày trước, tại đây có đến 11 hộ gia đình đồng hương với ông Le cũng "chạy" như ông, nhưng vì giá thuê quá "chát" nên các nhà lần hồi chuyển đi gần hết, chỉ còn 4 hộ bám trụ.
"4 tháng nghỉ dịch, gia đình tôi đã tiêu hết tiền tiết kiệm, hiện còn thiếu 4 tháng tiền điện. Dạo này, thấy "cò" đất đến chỗ này xem đất hoài, chắc họ sắp bán. Thấy "cò" là thấy rầu, không biết phải đi ngày nào...", ông Le thở dài.
Ông Le cho biết, việc phải chạy thường xuyên khiến sức khỏe ông suy giảm nghiêm trọng.
Ở tuổi 60, việc chạy kéo dây từ 5h sáng đến 5h chiều khiến vợ chồng ông Le đêm nào cũng đau nhức, khó ngủ. Trước dịch, ông Le dự định năm 2023 sẽ về quê an hưởng tuổi già, trông cháu cho các con. Tuy vậy, dịch Covid-19 đã làm ông thay đổi ý định.
"Chắc phải chạy thêm 5, 7 năm nữa quá, giờ có tiền đâu mà về. Cứ tiếp tục chạy thôi, chỗ này lấy lại mặt bằng thì đi thuê chỗ khác. Mình cứ cố gắng thì trời không phụ lòng người đâu", ông Le chia sẻ.
4 tháng dịch Covid-19 hoành hành khiến hai ông bà thay đổi dự định về quê vì đã cạn tiền tiết kiệm, phải tiếp tục "chạy" thêm thời gian nữa.
"Nghề chạy kéo dây thu nhập chỉ đủ ăn mà khá vất vả, vợ chồng tôi cũng dự định 2 năm nữa sẽ về quê ẵm cháu, an hưởng tuổi già", vợ ông Le tâm sự.
Thế nhưng, 4 tháng dịch Covid-19 hoành hành khiến hai ông bà thay đổi dự định vì tiền tiết kiệm đã cạn, phải tiếp tục "chạy" thêm thời gian nữa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận