Doanh thu trăm tỷ mỗi năm, vì đâu nhiều thương hiệu thời trang Việt Nam chỉ lãi “bèo bọt”?
Doanh thu liên tục tăng trưởng qua từng năm cho thấy thương hiệu thời trang Việt Nam vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường dù các thương hiệu nước ngoài có những lợi thế nhất định.
Gia tăng thị phần dù giá bán không hề rẻ
Trong vài năm trở lại đây, các thương hiệu thời trang cao cấp của Việt Nam đang ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng bất chấp cạnh tranh gay gắt hơn đến từ các thương hiệu quốc tế.
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp sở hữu các thương hiệu trong nước nổi tiếng như Eva De Eva, CHIC LAND, IVY Moda hay Canifa mỗi năm tạo ra hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng doanh thu và đều ghi nhận tăng trưởng qua từng năm.
*Số liệu CANIFA tính từ năm 2017
Một trong những thương hiệu thời trang lâu đời nhất của Việt Nam phải kể đến Canifa. Xuất hiện đầu những năm 2000, từ một thương hiệu gắn liền với sản phẩm len, Canifa đã thành công trong chiến lược trở thành dòng thời trang dành cho nhiều đối tượng.
Với chiến lược mở rộng mạng lưới, từ 2 cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội đầu những năm 2000, Canifa hiện đã có khoảng trên dưới 100 cửa hàng tại 24 tỉnh thành trên cả nước. Năm 2018 vừa qua, Canifa ghi nhận doanh thu kỷ lục lên đến 931 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần con số đạt được năm trước.
Một trong những thương hiệu có mặt trên thị trường từ rất sớm (năm 2005) khác là IVY Moda lại có những bước tiến chậm hơn đôi chút. Phải đến năm 2017, thương hiệu này mới thực sự có sự bứt phá rõ rệt với doanh thu đều đạt trên 400 tỷ đồng trong 2 năm trở lại đây.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng tích cực trong khoảng 2 năm trở lại đây của những thương hiệu non trẻ hơn như Eva De Eva, Chic Land cũng cho thấy sức cạnh tranh của thương hiệu Việt trước áp lực từ sự “đổ bộ” của các thương hiệu thời trang bình dân quốc tế.
Thực tế, sự có mặt của các thương hiệu quốc tế như Zara, H&M, Mango… những lợi thế nhất đinh về giá là một trong những “mối đe dọa” đối với các thương hiệu thời trang Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề giá cả cũng như kích cầu, các thương hiệu thời trang Việt Nam áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi sale off. Dù vậy, mức giá sau sale của các thương hiệu này cũng chỉ ngang hoặc thậm chí vẫn nhỉnh hơn đôi chút so với các thương hiệu quốc tế. Song song với đó là chiến lược mở rộng mạng lưới các cửa hàng nhằm ra tăng sự hiện diện trên thị trường.
Gánh nặng chi phí “ăn mòn” lợi nhuận
Chiến lược trên đang phần nào giúp các thương hiệu thời trang Việt Nam tạo được chỗ đứng trên thị trường tuy nhiên cũng đặt ra cho các doanh nghiệp chủ quản bài toán nan giải về tối đa hóa lợi nhuận.
Việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới các cửa hàng khiến chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp của các thương hiệu này gia tăng đáng kể. Các chi phí phát sinh chiếm tỷ trọng lớn trên doanh thu dẫn đến lợi nhuận bị “ăn mòn”, thập chí báo lỗ.
*Số liệu CANIFA tính từ năm 2017
Năm 2018, dù đạt doanh thu kỷ lục nhưng Canifa chỉ lãi “bèo bọt” 6,5 tỷ đồng sau thuế, tương ứng biên lãi ròng chỉ vỏn vẹn 0,7%. Với quy mô nhỏ hơn nhiều, Chic Land cũng chỉ lãi 1,5 tỷ đồng sau thuế, đạt tỷ suất 1,8% trong khi IVY Moda báo lỗ 1,2 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến hết 31/12/2018 hơn 4,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, với việc báo lỗ 8,9 tỷ đồng trong năm 2018, Eva De Eva tiếp tục đào sâu khoản lỗ lũy kế lên gần 67,2 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57,2 tỷ đồng.
Rõ ràng, bài toán về lợi nhuận đòi hỏi doanh nghiệp thời trang trong nước phải có chiến lược phù hợp với từng thời kỳ nếu không muốn “hụt hơi” trong cuộc đua cùng các thương hiệu quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận