Doanh thu chính từ sản phẩm y tế, Merufa muốn tăng vốn thêm 100 tỷ để mở rộng kinh doanh
Merufa muốn tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng lên 136,7 tỷ đồng. Một cuộc họp cổ đông bất thường đã được lên kế hoạch tổ chức để bàn về các dự án phát triển mở rộng sản xuất.
Lần đầu tăng vốn sau hơn một thập kỷ: dự kiến từ 36,7 tỷ đồng lên 136,7 tỷ đồng
HĐQT CTCP Merufa (MRF) hôm 21/8 vừa qua đã quyết định đề nghị ĐHĐCĐ tăng vốn điều lệ thêm 100 tỷ đồng. Đây sẽ là đợt tăng vốn đầu tiên của Merufa kể từ hồi tháng 4/2009. Số vốn điều lệ sau khi tăng thêm cao gấp gần 3,78 lần hiện tại.
FPTS được HĐQT chấp thuận chọn làm tư vấn phương án huy động. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, Công ty vẫn chưa quyết thực hiện phương án để triên khai mục tiêu tăng vốn trên (chào bán cho cổ đông hiện hữu hay chào bán riêng lẻ).
Tuy nhiên, ở các cuộc họp trước đó, việc chủ động chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho các dự án đầu tư đã được Công ty đề cập.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 trước đây đã từng thông qua kế hoạch đầu tư 17 tỷ đồng bao gồm 16,5 tỷ đồng mua sắm thiết bị và 500 triệu đồng phục vụ xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, cả năm trước, Merufa chỉ mua sắm một số thiết bị nhỏ lẻ và thay mới ô tô vận tải với tổng số tiền chi là 972 triệu đồng. Trong nhiều văn bản, lãnh đạo Công ty đã khẳng định kiên quyết thực hiện chỉ tiêu đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất.
“Các dự án đã được ĐHĐCĐ thông qua cần hoàn tất và đưa vào hoạt động trong quý III/2020”, Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Minh nêu.
Ngoài ra, HĐQT giao cho Công ty xây dựng phương án mở rộng đầu tư phát triển sản xuất dài hạn theo hướng thuận lợi, đầu tư mang lại hiệu quả, không bị động nguồn vốn để chuẩn bị lấy ý kiến cổ đông. Với các dự án mới này, Tổng giám đốc đề nghị được thành lập các ban quản lý dự án, giao từng thành viên ban quản lý hưởng thù lao theo mức độ nhiệm vụ được giao. Chủ tịch HĐQT Vũ Văn Minh sẽ tham gia vào các ban với vai trò cố vấn cấp cao.
Merufa hiện đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để thông qua dự án phát triển mở rộng sản xuất và các vấn đề liên quan. Danh sách cổ đông tham dự cuộc họp sẽ chốt vào ngày 27/8 tới.
Đón cơ hội trong khó khăn
Doanh nghiệp này đến nay chưa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong một cuộc họp tổ chức giữa tháng 7, HĐQT đã giao ban điều hành tập trung thực hiện hoàn thành và vượt mức kế hoạch kinh doanh đề ra.
So với kết quả đạt được năm 2019, kế hoạch mà Merufa đề ra hồi tháng 6 đã khá tham vọng với doanh thu mục tiêu tăng 12% lên 120,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 43,8% lên hơn 12 tỷ đồng. Trên cơ sở này, mức cổ tức mà Công ty dự kiến chi trả cho năm 2020 là 15%, gấp rưỡi năm trước.
Dịch Covid-19 gây khó khăn đến tình hình kinh tế nói chung và hầu hết các ngành lĩnh vực. Tuy nhiên, với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế và sản phẩm đặc thù như Merufa, Công ty cũng tự đánh giá rằng có những thuận lợi nhất định. Tiền thân là Xí nghiệp Cao su Y tế (thuộc Bộ Y tế), nhà máy của Merufa được xây dựng với sự hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc vào năm 1987 với sản phẩm bao cao su tránh thai chế tạo từ cao su thiên nhiên của Việt Nam nhãn hiệu Happy. Không chỉ bao cao su, Merufa còn là đơn vị tiên phong nghiên cứu, sản xuất các mặt hàng y tế quan trọng khác như một số loại ống thông và ống Penrose (1992), găng tay phẫu thuật (1994), nút chai kháng sinh, chai truyền dịch sản xuất từ cao su tổng hợp (2000).
Dù là đơn vị đầu tiên sản xuất tại Việt Nam nhưng việc thị trường cạnh tranh mạnh khiến dây chuyền sản xuất bao cao su của Công ty thường hoạt động dưới công suất thiết kế. Hiện nay, doanh thu của Merufa chủ yếu đến từ găng tay y tế, nút chai, ống y tế, dù các sản phẩm này cũng đều gặp không ít cạnh tranh.
Quy mô tổng tài sản của Merufa đến cuối năm 2019 xấp xỉ 96,4 tỷ đồng, không thay đổi nhiều thậm chí thấp hơn giá trị tài sản hồi năm 2013 (98 tỷ đồng). Do nhà máy và các thiết bị đã đi vào hoạt động từ lâu, Công ty hiện đã khấu hao được hơn 70% giá trị tài sản cố định hữu hình (còn lại khoảng 21,5 tỷ đồng). Tồn kho và các khoản phải thu là các tài sản chiếm tỷ trọng khá lớn trong doanh nghiệp sản xuất này, lần lượt là 34 tỷ đồng và 21 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, lượng hàng tồn tăng lên gấp rưỡi so với hồi cuối năm 2018.
Còn trong cơ cấu nguồn vốn, hiện các khoản vay nợ ngân hàng đã giảm so với giai đoạn đầu tư ban đầu, chỉ còn khoảng hơn 1 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và 8,37 tỷ đồng cuối năm ngoái. Nguồn vốn hiện nay đều phần lớn dựa vào vốn tự có, trong đó vốn điều lệ xấp xỉ 36,7 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển xấp xỉ 22,17 tỷ đồng, lợi nhuận tích lũy được đến hết năm 2019 là 9,15 tỷ đồng.
Vì vậy, đợt tăng vốn sắp tới nếu thành công sẽ làm thay đổi đáng kể tình hình tài chính của Merufa. Nhưng ở thời điểm hiện tại các kế hoạch còn khá mơ hồ.
Với bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn lây lan và những tác động kinh tế dự kiến còn ảnh hưởng 2-3 năm tới, khó phủ nhận tính hấp dẫn của lĩnh vực y tế mà Merufa đang tham gia. Bản thân những người đứng đầu tại doanh nghiệp này cũng muốn đón bắt cơ hội nhưng sẽ còn cả một hành trình phía trước mà Merufa phải sớm hành động, không nên lặp lại câu chuyện giải ngân đầu tư chỉ được hơn 5% kế hoạch như trong năm 2019 vừa qua.
Theo danh sách cổ đông cập nhật đến giữa tháng 7/2020, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam (Vinamed) đang sở hữu 16,16% vốn và là cổ đông lớn nhất của công ty. Bà Trần Nguyễn Thanh Mai, vợ chủ tịch HĐQT Vũ Văn Minh nắm giữ 10,03% vón nhưng vừa mua thêm 22.000 cổ phiếu, tương đương 0,65% vốn. Một cổ đông tổ chức khác sở hữu 10,4% vốn là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Hải - doanh nghiệp của vợ chồng ông Bùi Tuấn Ngọc, Chủ tịch HĐQT Transimex (TMS). Sacombank cũng đang nắm 6,59% vốn tại đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận