menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Kim Oanh

Doanh nhân ngơ ngác khi bị cấm xuất cảnh do nợ thuế vài trăm nghìn

Chuyện doanh nhân bị cấm xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận. Có ý kiến cho rằng, quy định này cần thiết song cần có quy định phù hợp hơn.

Cấm xuất cảnh vì nợ thuế vài trăm nghìn đồng

Kể lại câu chuyện của một người anh, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên kiêm thành viên Hội đồng khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, vị doanh nhân đó là đại diện pháp luật của một doanh nghiệp đã giải thể nhiều năm trước.

Doanh nhân ngơ ngác khi bị cấm xuất cảnh do nợ thuế vài trăm nghìn
Thời gian qua, không ít người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế với số tiền không quá lớn (ảnh minh họa).

Nhưng trong chuyến đi chơi cùng gia đình ở Campuchia gần đây, khi đến cửa khẩu Mộc Bài, vị doanh nhân mới tá hỏa mình bị cấm xuất cảnh do công ty còn nợ mấy trăm nghìn tiền thuế. Chuyến đi chơi của gia đình cũng vì thế phải hủy bỏ, mọi kế hoạch đều lỡ dở."Nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Có những chuyến đi châu Âu phải chi trả hàng trăm triệu hay những kế hoạch làm ăn lớn bị lỡ do không biết mình bị cấm xuất cảnh. Vậy ai phải chịu trách nhiệm?", luật sư đặt vấn đề.

Tương tự, vào cuối năm ngoái, người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Baby Care (TP.HCM) khi ra đến sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Vị đại diện đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng phản hồi về việc chưa từng làm giám đốc của Baby Care!

Thực tế, chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay, song sự việc chỉ được quan tâm thời gian gần đây khi có "hàng dài" doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị "bêu" tên ở trang thông tin của hải quan địa phương, cập nhật thường xuyên trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Đơn cử, mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (Cục Hải quan TP.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế.

Trong đó, số tiền thuế nợ cao nhất là 680 triệu đồng (Công ty TNHH Thương mại Quý Thịnh, TP.HCM). Đáng chú ý, trong danh sách có ông Lê Huy Bình, giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng. Lý do là công ty ông Bình chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977.000 đồng tiền thuế.

Trước đó, vào tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế hơn 1.000.000 đồng tiền thuế.

Trong vòng 1 tháng qua, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.

Tại Đồng Nai, có 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế cũng bị cơ quan thuế gửi thông báo sang Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.

Nợ ít hay nhiều đều bị cấm

Theo một cán bộ ngành thuế, các quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019.

Theo quy trình, hàng tháng sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, căn cứ tình hình thực tế hoặc theo đề nghị từ các bộ phận khác, bộ phận quản lý nợ lựa chọn các trường hợp thực hiện tạm hoãn xuất cảnh gồm các cá nhân chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong các trường hợp: Đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài; người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh; người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam.

Cụ thể, có 4 trường hợp bị cưỡng chế nợ thuế bao gồm: Người nộp thuế có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp; người nộp thuế có tiền thuế nợ khi hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế; người nộp thuế có tiền thuế nợ có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn; người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định.

Cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế của người nộp để áp dụng các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản tại kho bạc, ngân hàng... Nếu không hoàn thành nghĩa vụ trước khi trước khi xuất cảnh, họ có thể bị tạm hoãn.

"Trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý để tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã có thông báo đến tận nơi và có hồi báo, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Theo quy định, chỉ cần nợ thuế, dù ít hay nhiều sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh", vị cán bộ giải thích.

"Không hợp lý, cần thay đổi"

Nói về những quy định trên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: "Đó là điều không hợp lý. Việc nợ vài trăm nghìn hay vài triệu có lẽ do sơ suất, không để ý, dẫn đến phát sinh nợ từ số lẻ, chứ ít ai cố tình trốn thuế ở mức đó. Mức áp dụng nên ở ngưỡng từ chục triệu đồng trở lên".

Theo ông Đức, cơ quan thuế phải làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh.

"Việc thông báo nhắc nhở này phải có người tiếp nhận chứ không phải thông báo công khai trên phương tiện truyền thông như "bêu" tội phạm. Việc "bêu" tên chỉ là giải pháp cuối cùng. Trên thực tế, quá trình thực thi sẽ có những vướng mắc nhất định, giống như câu chuyện hoàn thuế cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chậm được hoàn thuế nhưng chưa thấy cơ quan thực thi nào bị xử lý", ông Đức nói.

Đồng tình quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên chủ nhiệm CLB đại lý thuế, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM cho rằng, những quy định không phù hợp cần phải được điều chỉnh.

"Nên chăng trước khi áp dụng chế tài cấm xuất cảnh, cơ quan thuế cần bảo đảm đã gửi thông báo đến doanh nghiệp và doanh nghiệp đã nhận được hoặc đã có đại diện doanh nghiệp đến làm việc với cơ quan thuế về nội dung nợ thuế", ông Nghĩa đề xuất và cho rằng, mức nợ thuế nên được nâng lên, thay vì chỉ vài trăm nghìn hay vài triệu đồng.

Yêu cầu tăng cấm xuất cảnh để thu hồi nợ thuế

Nội dung trên được nêu tại công văn mới đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về thu ngân sách Nhà nước năm 2024. Theo Bộ trưởng, số nợ đọng thuế tại nhiều địa phương trong 4 tháng đầu năm có xu hướng tăng cao, đặc biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, thuê đất.

Năm nay, Chính phủ yêu cầu ngành tài chính tăng đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến ngày 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, ông Phớc yêu cầu cơ quan thuế cung cấp thông tin nhằm kịp thời có biện pháp cưỡng chế. Theo đó, người nộp thuế chây ỳ sẽ bị công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngành thuế cũng được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả