Doanh nghiệp xin giãn nợ, ngân hàng khuyến cáo 'sẽ thành nợ xấu'?
Gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 250.000 tỉ đồng đã được triển khai nhưng nhiều DN cho biết phải tự xoay xở, thậm chí "vay nóng" để duy trì hoạt động bởi rất khó được xem xét giãn, hoãn nợ...
Tại hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) với chủ đề "Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh" diễn ra sáng 2-4, các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị cần tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thực thi các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất hiệu quả hơn để giảm bớt khó khăn.
"Vay nóng" để duy trì hoạt động
Là doanh nghiệp có chuỗi sản xuất và chế biến trái cây, ông Nguyễn Mạnh Hùng - chủ tịch Tập đoàn Nafoods - cho biết ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn, đầu vào đầu ra đều bị ảnh hưởng. Do đó, khi nghe thông tin có chính sách hỗ trợ của Chính phủ với gói tín dụng lên tới 250.000 tỉ đồng, ông Hùng đã liên lạc với ngân hàng để xin giãn nợ nhưng chỉ được trả lời là sẽ "trở thành nợ xấu, sau này khó khăn nên đừng có kêu".
"Nghe ngân hàng nói vậy nên tôi ngừng luôn, đành tự tìm cách khắc phục để duy trì hoạt động. Thế nhưng nhiều chủ doanh nghiệp là bạn bè tôi cho biết phải vay nóng bên ngoài bởi không tiếp cận được vốn ngân hàng trong khi lãi suất vay ngoài rất cao, 1 triệu mà lãi lên tới 3.000 đến 5.000 đồng/ngày" - ông Hùng cho biết.
Ông Trương Gia Bình - chủ tịch VIDA, chủ tịch Tập đoàn FPT - cũng chỉ ra thực trạng hiện nay "vốn thường đưa vào người giàu chứ không đưa vào nhà nghèo", bởi các ngân hàng đang trong tình trạng "không biết cấp vốn cho ai vì đều là nguy hiểm", nhất là khi dịch bệnh vẫn đang phức tạp.
Theo ông Bình, trong giai đoạn chống dịch được xem như thời chiến hiện nay, nếu áp dụng mọi nguyên tắc như thời bình sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ kịp thời dù đang có nhiều gói hỗ trợ.
Do đó, ông Bình cho biết sẽ trực tiếp làm việc với một số ngân hàng thân thiết để đàm phán và tìm nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất, cũng là đóng góp cho xã hội.
Cần gói tín dụng cho nông nghiệp
Ông Nguyễn Hoàng Anh, phó chủ tịch thường trực VIDA, cũng đề nghị Chính phủ cần dành riêng gói tín dụng cho ngành nông nghiệp kèm theo cơ chế, chính sách và điều kiện làm sao nhanh nhất, thiết thực nhất. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, việc đáp ứng yêu cầu là sẵn sàng lương thực thực phẩm được đặt lên hàng đầu.
"Cần có các chính sách vốn, tín dụng, bảo hiểm, thuế được thực hiện giãn, hoãn để nông dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất phục vụ bà con, chủ động các giải pháp sản xuất. Khi doanh nghiệp duy trì được, ổn định sản xuất thì sau đại dịch mới có nguồn lực để thực hiện và chấp hành các nghĩa vụ về vay vốn, đóng thuế và đóng góp cho xã hội" - ông Hoàng Anh nói.
Ông Nguyễn Quốc Toản - cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT - cho biết có rất nhiều cơ hội với ngành nông nghiệp trong thời gian tới bởi thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi vào khoảng tháng 5, các thị trường Âu - Mỹ có thể phục hồi trong quý 3-2020.
Do đó, các doanh nghiệp nông nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực từ bây giờ để quản trị nguồn hàng, đầu tư cho các nguồn lực như thương mại điện tử.
Khi tình hình dịch bệnh được khống chế, Bộ NN&PTNT dự kiến ưu tiên sang thị trường Trung Quốc để đàm phán mở cửa thị trường với nhiều sản phẩm nông nghiệp như thạch đen tổ yến, chanh leo... mở rộng cơ hội xuất khẩu chính ngạch cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng đã có báo cáo kiến nghị gửi Chính phủ dành gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp được hiệu quả và thiết thực nhất.
"Đây là lúc tuyệt vời nhất để doanh nghiệp thực hiện số hóa nông nghiệp. Doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát sản xuất và truy xuất nguồn gốc mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Cần nhân rộng mọi mô hình thương mại điện tử để thay đổi hành vi tiêu dùng người Việt Nam, tăng truyền thông không chỉ doanh nghiệp mà bà con nông dân, hợp tác xã để quảng bá sản phẩm" - ông Toản nói.
Quá khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng
Trao đổi với chúng tôi, nhiều doanh nghiệp khẳng định rất khó tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng từ ngân hàng, dù Chính phủ đã công bố gói tín dụng lên tới 250.000 tỉ đồng và bản thân các DN cũng đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ.
Ông Hoàng Tuấn Anh - tổng giám đốc Công ty CP Vua Nệm - cho biết các cửa hàng bán lẻ trong hệ thống của doanh nghiệp này đã đóng cửa theo quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Do đó, ngay sau khi nghe thông tin về gói hỗ trợ tín dụng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, doanh nghiệp đã liên lạc với ngân hàng nhưng chỉ nhận được phản hồi đại loại như "chưa có thông tư hướng dẫn", "có thông tư nhưng ban lãnh đạo chưa chỉ đạo nên chưa biết hướng giải quyết"...
"Thậm chí doanh nghiệp được khuyến cáo rằng nếu làm đơn xin được hỗ trợ với lý do thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng đến việc vay vốn, bởi doanh nghiệp sẽ bị xếp vào diện không an toàn!" - ông Tuấn Anh cho biết.
Đại diện Công ty Chảo Đỏ (Red Wok), sở hữu các chuỗi nhà hàng ở TP.HCM và các địa phương lân cận, cũng cho biết đã gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn đòi tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động...
Theo đại diện một doanh nghiệp khác trong ngành dịch vụ ẩm thực, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hầu như không có nhiều bất động sản làm tài sản đảm bảo bởi mặt bằng chủ yếu được thuê. Do đó, việc yêu cầu các doanh nghiệp này phải có bất động sản làm tài sản đảm bảo để vay vốn là đòi hỏi rất khó đáp ứng trong thời điểm hiện nay.
"Hi vọng gói tín dụng hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các ngành, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có ngành dịch vụ ẩm thực thiệt hại đã thấy rõ" - vị này nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận