Doanh nghiệp Việt nên xoay sở thế nào giữa lúc căng thẳng Nga - Ukraine?
Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi căng thẳng Nga - Ukraine ngày càng leo thang.
Hàng xuất khẩu sang Nga, Ukraine bị gián đoạn
Những ngày qua, Công ty Duy Anh chuyên về thực phẩm chế biến nông sản như bún miến, bánh tráng tại TP.HCM đang gặp khó vì căng thẳng Nga - Ukraine. Tình hình chiến sự khiến các lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang hai thị trường này bị gián đoạn.
Ông Lê Duy Toàn - Giám đốc Công ty Duy Anh cho biết, khi xung đột xảy ra, tàu vận chuyển quốc tế vẫn hoạt động nhưng chỉ sau đó một tuần, phía đối tác đã thông báo lại không có chuyến tàu nào đi Nga nữa.
Sự gián đoạn đột ngột khiến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp bị đảo lộn. Hàng xuất sang Nga đã sẵn sàng, sau đó buộc doanh nghiệp phải chuyển sang lưu kho, thậm chí phải thay bao bì, chuyển hướng đưa sản phẩm sang thị trường khác.
Ông Duy Toàn cho biết thêm, các đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu sang hai thị trường Nga và Ukraine không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng.
Do đó, ông đánh giá doanh nghiệp vẫn may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác giữa tình hình căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay.
Không chỉ vận chuyển hàng hóa, đưa hàng trực tiếp vào Nga và Ukraine khó, mà các doanh nghiệp Việt đang gặp các khó khăn gián tiếp về giá xăng dầu, chi phí đầu vào tăng mạnh.
TS Trần Quốc Hùng - CEO Viện Tài chính Quốc tế IIF (Washington DC), đánh giá áp lực về giá xăng dầu hiện nay trên thế giới do căng thẳng Nga - Ukraine là rất lớn. Trước tình hình nhiều nước "cấm vận" Nga về dầu khí, các nước sẽ tăng cường sản xuất để bổ sung nhưng ông đánh giá trước mắt, trong 6 tháng tới, thị trường vẫn thiếu hụt dẫn đến giá thành bị đẩy lên cao.
"Việt Nam chịu tác động rất bất lợi. Giá dầu tăng, giá nhiên liệu tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng, chi phí tiêu dùng cũng tăng", TS Trần Quốc Hùng nhấn mạnh với các doanh nghiệp tại tọa đàm "Doanh nghiệp Việt trước tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine", tổ chức tại TP.HCM hôm 11/3.
Không chỉ xăng dầu, ông cho rằng một số ngành khác sẽ gặp khó như ngành nhựa, phân bón cho sản xuất nông nghiệp tăng cao do căng thẳng Nga - Ukraine hiện nay.
Doanh nghiệp cần chuyển hướng
PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, song song với việc giá nguyên liệu đầu vào tăng cao thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng. Do đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là nhóm lương thực, nông sản sẽ có lợi thế về giá.
Ông dẫn chứng lúa mì tăng thì giá gạo có thể được đẩy tăng theo. Về mặt tổng thể, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi ích nhất định về giá, đây là chi tiết mà các doanh nghiệp cân nhắc khi thương thảo hợp đồng để tránh thiệt thòi.
Đồng quan điểm, TS. Trần Quốc Hùng cho rằng, Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% thị trường ngũ cốc thế giới. Khi giá lúa mì tăng sẽ kéo theo giá gạo tăng. Việt Nam lại là nước có lợi thế về lúa gạo.
Ông phân tích thêm, ngoài giá thì thị trường của các doanh nghiệp Việt có thể mở rộng hơn, nhất là với các nước châu Âu. Theo chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tại thị trường châu Âu.
Trong khi đó hiện nay, thị trường châu Âu đang mất nguồn cung do các lệnh trừng phạt Nga hoặc do người dân "tẩy chay" Nga thì họ sẽ tìm các thị trường thay thế. Đó là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường.
Theo các chuyên gia, khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải do căng thẳng Nga - Ukraine sẽ còn kéo dài. Trong lịch sử, các cuộc khủng hoảng kinh tế cũng đã xảy ra, kinh nghiệm cho thấy, các doanh nghiệp phải có sản phẩm chất lượng cao, có tầm nhìn, đánh giá vấn đề, nâng cao năng lực quản trị và dự báo mới có thể thích ứng và "vượt bão".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận