24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP, làm sao có kinh tế thị trường?

Mức độ đóng góp cho nền kinh tế của khối doanh nghiệp tư nhân hiện chưa đến 10% GDP thì làm sao có được nền kinh tế đúng nghĩa là kinh tế thị trường.

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại tọa đàm: Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, do Trường đại học Kinh tế quốc dân và Ban Kinh tế T.Ư phối hợp tổ chức sáng 29.7, tại Hà Nội.

Theo bà Phạm Chi Lan, xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam và thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản… Nhưng thực tế trải nghiệm và qua các cuộc điều tra khảo sát, bà Lan cho rằng “khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời lắm”. Ở Việt Nam, để xóa được khoảng cách từ văn bản chính sách cho đến hành động, cũng phải dùng "nhất tiền tệ, nhì quan hệ”.

Nghị quyết, văn bản xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện tại không thiếu, song quan sát thì thấy chủ yếu vẫn là tinh thần “tháo gỡ rào cản” trong môi trường kinh doanh, đầu tư cho các doanh nghiệp. Nhưng bao năm nay, các văn bản, nghị quyết vẫn loay hoay tháo gỡ rào cản mãi cũng không xong. Trong khi đó, trên thế giới, nhiều quốc gia đã chuyển đổi sang giai đoạn quản trị để thuận lợi hoá môi trường đầu tư.

Cũng theo bà Phạm Chi Lan, nếu nhìn vào nền kinh tế Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề để trở thành nền kinh tế thị trường thực sự, đúng nghĩa. Cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam gồm có: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và khối tư nhân. Nhưng các chính sách hiện nay chủ yếu là ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, còn lại "doanh nghiệp tư nhân thì chẳng được cái gì".

Những năm gần đây, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển này được là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của nhà nước và không có cách nào để lớn được.

“Trong cơ cấu GDP hiện nay thì doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao chúng ta có nền kinh tế thị trường”, bà Chi nêu vấn đề.

Theo TS Lê Đăng Doanh, trên thế giới đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng theo đánh giá của Mỹ, Liên minh châu Âu, Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. Ngay cả Trung Quốc cũng chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường. Thực tế ở Việt Nam, nhiều ngành và lĩnh vực, cụ thể nhất là thị trường đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng tiêu chí để đánh giá nền kinh tế thị trường ở đây lại rất thấp.

TS Lê Đăng Doanh kiến nghị, cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự.

Nếu được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ có được nhiều lợi ích. Trong xuất nhập khẩu sẽ giảm được rất nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả