'Doanh nghiệp tư nhân cần cơ chế chứ không phải tiền'
Thủ tục rườm rà khiến nhà đầu tư mất cơ hội kinh doanh, cần gấp rút cởi trói để họ có điều kiện giúp đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, theo đại biểu Quốc hội.
Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 4/11, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh bày tỏ lo ngại trước tốc độ tăng vốn của đầu tư tư nhân giảm, chỉ khoảng 7% trong 9 tháng đầu năm nay. Mức này thấp hơn một nửa so với giai đoạn trước. Điều này theo ông là nghịch lý khi đầu tư công chưa dẫn dắt được đầu tư tư nhân, dù nguồn lực công vừa qua được tung ra cho các dự án hạ tầng, nhất là giao thông rất lớn, trên 800.000 tỷ đồng.
"Doanh nghiệp, nhất là khu vực tư nhân có thể không cần tiền, họ rất cần cơ chế. Theo tôi, vướng mắc ở đây chính là thủ tục", ông nói và đề nghị làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy hơn nữa đầu tư tư nhân vào nền kinh tế.
Thủ tục rườm rà, khiến nhà đầu tư mất cơ hội kinh doanh cũng được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh. Ông Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Phú Thọ nêu việc giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan kéo dài, thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát.
Ông ví dụ xử lý hồ sơ hai dự án trọng điểm về xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp huyện Hạ Hòa và Tam Nông (Phú Thọ). Nhà đầu tư đã khởi động các dự án này từ cuối 2018, nhưng đến nay hồ sơ dự án chưa được giải quyết dứt điểm, dù theo quy định Luật Đầu tư, thời gian giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư không quá 3 tháng.
"Việc trao đổi giữa các bộ, ngành rất chậm, không theo quy trình một cửa. Nhà đầu tư đành tâm tư rằng 'đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh', bởi họ chờ đợi, mất cơ hội đầu tư", ông phản ánh.
Khối ngân hàng quốc doanh, vốn chiếm vị thế dẫn đầu về tổng tài sản, quy mô cho vay và vốn trong hai thập kỷ trước đó, hiện bị nhóm tư nhân dần vượt qua. Tính đến cuối tháng 6, quy mô vốn của VPBank và Techcombank lần lượt là 79.300 tỷ và 70.400 tỷ đồng. Mức này cao hơn gần 23.000-24.000 tỷ đồng so với Vietcombank và BIDV - hai nhà băng quốc doanh ở top 3 và 4 trong hệ thống ngân hàng.
Theo ông An, thủ tục là điểm nghẽn khiến các ngân hàng quốc doanh - vốn được coi là những anh cả đỏ trong hệ thống - gặp khó khăn trong tăng vốn, tụt lại so với các nhà băng thương mại cổ phần. Tương tự, nhiều doanh nghiệp Nhà nước là "anh cả đỏ", song họ vướng rất nhiều thủ tục, cơ chế.
"Chúng ta cần cởi trói để doanh nghiệp Nhà nước có đường ray tốt, đóng góp cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Bởi muốn vươn mình thì phải có những doanh nghiệp khoẻ, tốt", ông An nói thêm.
Còn ông Nguyễn Thành Nam đề nghị Chính phủ tăng giám sát, kiểm tra việc xử lý thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền và đổi mới cải cách từ trung ương tới địa phương. Việc này nhằm cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận