Doanh nghiệp thuỷ sản lo chi phí đội thêm từ 3 tỉ -14 tỉ đồng
Liên quan tới việc TP.HCM thử nghiệm hệ thống thu phí cảng biển, Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM tham khảo ý kiến của các bộ ngành có liên quan, tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp.
Bộ Công thương lên tiếng
Văn bản của Bộ Công Thương, đề nghị: UBND TP.HCM tham khảo đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, cũng như các Hiệp hội doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng thu phí để đảm bảo hài hòa lợi ích phù hợp với các cam kết quốc tế, cũng như tránh ảnh hưởng đến quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước đối tác. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như một số điều ước quốc tế khác Việt Nam đã ký kết và tham gia có một số quy định liên quan đến phí, lệ phí cũng như các khoản thu khác được áp dụng đối với hàng nhập khẩu và quá cảnh.
Trước đó, ngày 16.2.2022, UBND TP.HCM đã bắt đầu vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP.HCM trên cơ sở Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9.12.2020 của Hội đồng Nhân dân TP.HCM.
Xuất khẩu thuỷ sản là một trong những lĩnh vực hoạt động tích cực nhất của nền kinh tế kể từ cuối năm 2021. Chính vì vậy, đây cũng là nhóm đối tượng bị tác động nhiều nhất từ việc thu phí hạ tầng cảng biển. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đặt vấn đề: Trong bối cảnh Chính phủ đang có nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thì liệu quyết định này của UBND TP.HCM liệu đã phù hợp? Việc áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển cao, không công bằng tại thời điểm này là không hợp lý.
Tốn 3-14 tỉ/ năm
Theo VASEP, từ đầu năm 2021 đến tháng 10.2021, hầu hết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản vừa phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19, vừa phải lo trả tiền lương cho công nhân. Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn và chưa thực sự hồi phục. Năm 2022, đại dịch lại xuất hiện biến chủng Omicron đang bùng phát với tốc độ lây lan rất nhanh trên thế giới và đã thâm nhập vào Việt Nam. Tình hình quốc tế đang có nhiều diễn biến phức tạp, với những biến động khó lường. Do vậy, kinh tế thế giới dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng không vững chắc.
Quý đầu năm 2022, mặc dù thị trường nhập khẩu thủy sản thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến cho cộng đồng doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận.
Việc phải đầu tư, nâng cấp đường vào cảng nhằm tránh ùn tắc, tăng chi phí logistics cho đô thị cảng biển lớn cả nước là điều cần thiết. Tuy nhiên, giữa bối cảnh khi doanh nghiệp còn chưa vực dậy sau điêu đứng của dịch bệnh và Chính phủ, các Bộ ngành đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng các quyết sách linh hoạt thì việc TP.HCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển từ 1.4 là thời điểm không hợp lý và tạo nên tình trạng “phí chồng phí.”
Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP.HCM. Trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung. Nếu tính chi phí tăng thêm cho một doanh nghiệp thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỉ đồng/năm với doanh nghiệp lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỉ đồng/năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận