24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngọc Trân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp thực phẩm tìm lối ra với M&A

Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng chỉ số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng cao nhất trên thế giới, nhưng mức tăng giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thực phẩm lại thấp hơn rất nhiều. Hơn ai hết, các doanh nghiệp thực phẩm hàng đầu đã nhận ra những khó khăn sắp tới và đã bắt đầu xây dựng những chiến lược điều chỉnh để tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

Doanh nghiệp thực phẩm Việt chật vật trên sân nhà

Ngành thực phẩm thực tế vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Phú Hưng, trong ba năm tới doanh thu của ngành vẫn đạt mức tăng trưởng trên 11,2%/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thực phẩm niêm yết trên sàn lại không thực sự hưởng lợi từ xu hướng trên.

Tâm lý ưa chuộng hàng ngoại làm cho hàng Việt gặp nhiều bất lợi so với các thương hiệu nhập khẩu. Khi được khảo sát thì trung bình 10 người Việt lại có khoảng ba người chọn mua thực phẩm ngoại như: thực phẩm đóng hộp, sữa, bánh kẹo… Ở góc nhìn khách quan, mặc dù hàng hóa Việt ngày càng tốt hơn nhưng vẫn còn nhiều điểm thua kém và cần thời gian dài để bắt kịp hàng hóa nhập khẩu về các mặt như: chất lượng sản phẩm, thông tin nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mẫu mã đẹp, sản phẩm đa dạng…

Các doanh nghiệp thực phẩm trên sàn không có nhiều cơ hội đầu tư mở rộng

Doanh nghiệp thực phẩm tìm lối ra với M&A

Nếu xem xét kỹ lại hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thực phẩm trong nước thì có thể thấy rằng, quy mô thị trường tiêu dùng mở rộng trong những năm qua chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Thế giới Di động hay Co.opmart. Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nội địa, từ quy mô lớn như Vinamilk, KIDO hay Masan cho đến các doanh nhỏ hơn như Bibica… lại không được hưởng lợi nhiều trước sức ép từ các sản phẩm hàng ngoại.

Trong xu hướng gia tăng tiêu dùng trong nước thì doanh nghiệp thực phẩm niêm yết lại tiếp tục thể hiện các chỉ số tài chính ngày càng sụt giảm trong thời gian qua. Quy mô doanh thu thực tế có tăng nhưng hiệu quả hoạt động lại kém đi, biên lợi nhuận giảm dần, cơ hội tăng trưởng trong nội tại ngành không cao nên doanh nghiệp ngại rủi ro khi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Trong bốn quí gần đây, ngành thực phẩm có xu hướng giảm mạnh đầu tư mở rộng lĩnh vực cốt lõi. Nhìn xa hơn trong giai đoạn năm năm gần đây, hoạt động huy động vốn và đầu tư của các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam đã diễn ra với mức độ thấp khi triển vọng ngành không khả quan. Các hoạt động huy động vốn của những doanh nghiệp này chủ yếu được thực hiện cho các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), để bổ sung động lực tăng trưởng cho các mảng kinh doanh hiện hữu.

Doanh nghiệp thực phẩm nội địa tìm lối thoát với mô hình Holding

Doanh nghiệp thực phẩm tìm lối ra với M&A

Ngay cả những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk hay Masan cũng phải tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua hoạt động M&A. Trong những năm gần đây, động lực tăng trưởng doanh thu của Vinamilk hay Masan không đến từ mảng kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu thông qua việc M&A các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác. Các công ty thực phẩm lớn có thể tái cấu trúc hoạt động của các doanh nghiệp thực phẩm nhỏ dựa trên kinh nghiệm quản lý cũng như mạng lưới phân phối rộng khắp của mình. Nhờ vào đó, sản phẩm của các công ty thực phẩm nhỏ có thể nhanh chóng mở rộng kênh phân phối mà không cần phải tốn kém chi phí đầu tư. Thông qua hoạt động tái cấu trúc đó sẽ giúp khơi thông giá trị của các công ty thực phẩm nhỏ hơn. Một ví dụ gần đây nhất chúng ta có thể thấy đó là câu chuyện KIDO sau khi mua Công ty dầu Vocarimex đã có thể giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của mảng dầu ăn, vốn có tỷ lệ sinh lời thấp như thế nào.

Xu hướng M&A thường diễn ra rất mạnh ở các doanh nghiệp lĩnh vực thực phẩm khi thị trường bắt đầu dần đi vào giai đoạn bão hòa. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp thực phẩm luôn có tỷ lệ giá trị lợi thế thương mại (thể hiện phần giá trị thương hiệu của các công ty nhỏ bị thâu tóm trong công ty thực hiện thâu tóm) trên tổng tài sản ở mức cao so với các ngành nghề khác.

Trong nhóm doanh nghiệp thực phẩm, Masan là doanh nghiệp có nhiều hoạt động M&A nhất ngành. Trong ba năm gần đây, Masan liên tục thực hiện nhiều hoạt động sáp nhập với các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ khác, nhờ đó mà doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Mặc dù hiệu quả sử dụng vốn thấp, nhưng Masan đã giải được cho các nhà đầu tư bài toán tăng trưởng, góp phần giải thích cho mức tăng trưởng cao của giá cổ phiếu Masan trong thời gian qua.

Gần đây nhất, Masan mua lại 20% cổ phần chuỗi trà sữa Phúc Long, với giá trị hơn 15 triệu đô la Mỹ. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đang ngày càng gia nhập sâu vào lĩnh vực F&B thông qua chiếm lĩnh các thị trường ngách. Đây lại là một lĩnh vực khác với mảng kinh doanh cốt lõi trước đó của Masan.

Về cơ bản thì giá trị của một doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn và khả năng tăng trưởng doanh thu. Đối với các doanh nghiệp thực hiện tăng trưởng theo mô hình M&A thì thị trường sẽ quan tâm nhiều hơn đến khả năng tạo ra tăng trưởng đột phá trong tương lai để chống sức ì của ngành. Đó là minh họa cho câu chuyện tại sao giá cổ phiếu Masan vẫn có được tốc độ tăng trưởng cao dù hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp hiện tại đang rất thấp. Việc thâu tóm Vinmart đã giúp Masan tối ưu hóa chuỗi giá trị, đồng thời tạo ra tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.

Chờ đợi các tín hiệu từ Vinamilk và KIDO

Vinamilk chọn chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu để cải thiện biên lợi nhuận thông qua mua lại Công ty cổ phần GTNfoods thay vì mở rộng quy mô sản xuất. Khi Vinamilk mua lại GTNfoods, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sở hữu Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu – công ty con GTNfoods, đơn vị cung cấp sữa nguyên liệu. Việc sở hữu GTNfoods đã giúp Vinamilk chủ động nguồn nguyên liệu sữa đầu vào từ đó gia tăng biên lợi nhuận, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Việc KIDO dần thay đổi theo mô hình Holding cũng là một điểm đáng lưu ý đối với thị trường thực phẩm. KIDO quay trở lại thị trường bánh kẹo sau khi thực hiện đủ năm năm theo điều khoản của hợp đồng bán Kinh Đô Bình Dương cho tập đoàn Mondelez International. Dựa trên mạng lưới rộng khắp của mình từ mảng kem và mảng dầu ăn thì sẽ không có gì bất ngờ nếu KIDO sẽ lại tiếp tục gia tăng các sản phẩm khác vào danh mục của mình trong thời gian tới thông qua hoạt động M&A.

Việc thực hiện M&A và tích hợp giá trị thông qua các thương vụ này đang là chìa khóa để nhà đầu tư có thể tìm kiếm các các công ty thực phẩm tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn của ngành hiện tại.

(*) CFA – BUH
(**) BUH
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả