Doanh nghiệp thực phẩm nội lại lo bị thôn tính, sáp nhập
Một loạt doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, vốn đang được xem là trụ cột thị trường trong nước, dần mất vào tay những doanh nghiệp ngoại. Xu hướng này khiến nhiều doanh nghiệp Việt lo lắng buộc phải thay đổi.
Theo báo cáo về ngành thực phẩm - đồ uống vừa được Vietnam Report công bố ngày 8-10, làn sóng mua bán sáp nhập và thôn tính các doanh nghiệp nội của khối ngoại đang diễn ra khá mạnh trong ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam thời gian qua.
Đáng chú ý, những doanh nghiệp chế biến thực phẩm có thương hiệu lớn, nắm giữ thị phần nhiều như Công ty CP chế biến hàng xuất khẩu Cầu tre, Kinh Đô, Bibica… đều được khối ngoại để ý và mua lại.
Điều này cho thấy thị trường ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam hấp dẫn nhưng cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bị mua lại.
Theo báo cáo này, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự thiếu ổn định nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, nguyên liệu ngành sữa trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 25%, hay nguyên luyện sản xuất dầu ăn 90% phải nhập khẩu.
Hiện nay, xét về giá trị sản xuất, đây là ngành có giá trị sản xuất lớn nhất và có tổng doanh thu lớn thứ hai trong số các ngành hàng kinh tế với dự báo mức tăng trưởng trung bình 10,9%.
Tuy vậy, trong một thị trường cạnh tranh mạnh, các chuyên gia trong báo cáo nhận định doanh nghiệp Việt Nam lại không thay đổi kịp so với sự hội nhập, duy trì thói quen cũ dẫn đến tụt hậu.
Theo bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM, hiện nay các doanh nghiệp nội cũng đã khá chủ động trong các chiến lược để bắt kịp xu hướng và khắc phục khó khăn. Tuy vậy, để có thể nâng cao được chất lượng sản phẩm, triển khai nghiên cứu thị trường… đòi hỏi một số vốn lớn cũng như kinh nghiệm quản trị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận