Doanh nghiệp thực phẩm “gồng mình” cung ứng
Các chuyên gia trong ngành nhận định, nhìn chung tình hình không mấy sáng sủa đối với các lĩnh vực kinh tế do tác động nặng nề của dịch bệnh, tuy nhiên công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn là nhóm ngành có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, vừa qua Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) phải thông báo tạm dừng cung cấp thịt heo cho TP. Hồ Chí Minh do công ty có một số công nhân mắc Covid-19. Trước đó, Vissan cũng có thông báo gửi đến hệ thống siêu thị về việc ngưng giao hàng khay và chủng loại cho đến khi có thông báo mới. Đến nay, Vissan đã giảm lượng thịt heo giết mổ xuống còn 500-700 con/ngày, chỉ cung cấp heo mảnh, ngừng cung cấp mặt hàng chủng loại, đóng khay.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng thịt heo của thành phố đang dao động ở mức 5.000-7.000 con/ngày. Vissan là một trong 13 cơ sở giết mổ và chiếm khoảng 10% nguồn cung thịt heo cho TP. Hồ Chí Minh. Trong đợt bùng phát dịch thứ 4 này, thành phố đã ghi nhận một số cơ sở giết mổ quy mô lớn tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch như Xuyên Á, An Nhơn, Phước Kiển. Do đó để đảm bảo nguồn cung cho TP.Hồ Chí Minh trong trường hợp các cơ sở giết mổ khác gặp khó khăn, sở đã làm việc với các đơn vị liên quan và chuẩn bị các phương án cung ứng nguồn thịt heo.
Đại diện Sở NN&PTNT cho biết, trường hợp có cơ sở giết mổ nào tạm ngưng hoạt động thì các cơ sở khác tại thành phố sẽ tăng lượng giết mổ, tăng công suất để bù đắp vào lượng thiếu hụt, đó là sự điều tiết trong nội bộ của các cơ sở giết mổ. Còn nếu trường hợp không điều tiết được thì sẽ nhờ các tỉnh, thành tăng cường thêm nguồn hàng đưa về. Đơn cử như Đồng Nai, lượng heo cung ứng có thể tăng 10-20%, ngoài ra cũng còn các nguồn cung khác như Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, nên tổng cung - cầu thịt heo cho TP. Hồ Chí Minh vẫn được đảm bảo trong thời gian tới.
Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh khi năng suất lao động sụt giảm còn 50%, tuy nhiên hiện nay, Vissan vẫn giữ được kết quả kinh doanh tốt. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, Vissan đạt gần 2.340 tỷ đồng doanh thu, gần 95 tỷ lãi trước thuế. Như vậy, doanh nghiệp đã đạt 46% kế hoạch doanh thu và gần 53% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Tương tự, một số doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm khác cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Đơn cử như Tập đoàn Kido (KDC) ghi nhận kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36% và ngành hàng thực phẩm tăng 22%.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, nhìn chung tình hình không mấy sáng sủa đối với các lĩnh vực kinh tế do tác động nặng nề của dịch bệnh, tuy nhiên công nghiệp chế biến thực phẩm vẫn là nhóm ngành có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Đây là một trong những ngành thiết yếu, đảm bảo cuộc sống dân sinh được ưu tiên phát triển, nâng cao sản lượng, hướng đến giá trị xuất khẩu. Sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm là một trong những “điểm sáng” của nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Theo báo cáo của FiinGroup, năm 2021 nhu cầu về thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói sẽ tiếp tục tăng. Đồng thời, ưu đãi thuế theo hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành cải thiện biên lợi nhuận và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 tạo ra nhiều thách thức khiến các doanh nghiệp ngành thực phẩm đẩy mạnh tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để “biến nguy thành cơ”.
Đối với vấn đề cung ứng lương thực, thực phẩm cho thành phố, Sở Công thương TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện về việc đảm bảo cung cầu hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn. Theo đó, do tình hình dịch bệnh tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp, để phục vụ công tác phòng, chống dịch, đến nay các địa phương đã thực hiện tạm ngưng hoạt động 93/234 chợ truyền thống trên địa bàn để kiểm tra, đánh giá lại hoạt động điều kiện trong tình hình vừa duy trì kinh doanh vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho số đông người dân có thu nhập trung bình và thấp được liên tục, xuyên suốt, không gián đoạn, không gây ùn ứ, tập trung đông người, không để xảy ra tình trạng lợi dụng với số lượng điểm bán giảm để găm hàng, trục lợi, tăng giá bán hàng hóa gây ảnh hưởng đến đời sống người lao động và ảnh hưởng đến kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở Công thương đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện triển khai báo cáo tình hình hoạt động chợ trên địa bàn và dự kiến thời gian hoạt động trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận