Doanh nghiệp phân bón trong nước "than" khó vì bất cập thuế
Phân bón ngoại được dự báo sẽ có cuộc đổ bộ ào ạt vào Việt Nam trước tình trạng dư cung do sản xuất nông nghiệp khắp thế giới đình đốn vì dịch Covid-19. Bất cập của Luật thuế 71/2014/QH13 càng khiến mối lo này hiển hiện với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
Doanh nghiệp sản xuất bị “chèn lấn” trên sân nhà
Luật thuế 71/2014/QH13 quy định, phân bón là đối tượng không chịu thuế GTGT, với mục tiêu hạ giá thành phân bón cho nông dân, thúc đẩy sản xuất nội địa.
Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy tác động ngược của chính sách. Cụ thể, do không chịu thuế GTGT nên doanh nghiệp không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng cho sản xuất phân bón, dẫn tới chi phí sản xuất phân bón tăng lên. Doanh nghiệp phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ vào chi phí giá thành sản phẩm, làm giá thành phân bón tăng lên, giảm sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Cụ thể, một tính toán của Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho thấy, giá thành phân đạm tăng 7,2%- 7,6%; phân DAP tăng 7,3%- 7,8 %, phân supe lân tăng 6,5%- 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2%-6,1%... so với áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Phân bón nhập khẩu, đặc biệt là phân bón nhập từ Trung Quốc một mặt không phải chịu thuế GTGT 5%, một mặt được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu phân bón 0%, lại được khấu trừ toàn bộ thuế GTGT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất, do vậy, có lợi thế cạnh tranh về giá bán, dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, làm gia tăng nhập siêu. Khi sản xuất phân bón trong nước phải thu hẹp quy mô, sản lượng sản xuất trong nước không đủ để giúp Nhà nước điều tiết và quản lý giá khi giá phân bón thế giới biến động tăng, nông dân đã phải mua phân bón với giá đắt.
Lượng phân bón nhập khẩu tăng mỗi năm hàng trăm nghìn tấn là ví dụ cho thấy “tác động ngược” của chính sách thuế, vừa kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, vừa gây thiệt hại cho người nông dân.
Đáng lo ngại hơn là nhiều yếu tố dẫn tới cuộc đua không cân sức đang bắt đầu xuất hiện. Giá các mặt hàng phân bón nhập khẩu đang giảm trung bình 10-20% so với đầu năm bởi giá nguyên liệu đang ở mức thấp như giá than, giá khí. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất phân bón trong nước không thấp, giá than, giá khí không giảm, cộng với phải chịu ảnh hưởng từ Luật 71/2014/QH13, nên nhiều nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm công suất và giảm giá sản phẩm tối đa để cạnh tranh.
Nhà nước giảm thu, doanh nghiệp “đi lùi”
Doanh nghiệp sản xuất phân bón cho rằng, việc áp dụng Luật 71/2014/QH13 khiến mỗi doanh nghiệp mỗi năm thiệt hại cả trăm tỷ đồng.
Đơn cử, tại Đạm Cà Mau, để sản xuất 800.000 tấn phân bón mỗi năm, nhà máy phải nhập khẩu nguồn khí, đầu tư thiết bị tốn kém. Tuy nhiên, phân bón không chịu thuế GTGT nên thuế của các nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, sửa chữa máy móc, thiết bị không được khấu trừ, khiến các doanh nghiệp buộc phải đưa vào chi phí sản xuất.
Hiện nay, hầu hết máy móc thiết bị cho sản xuất phân bón (đặc biệt là máy móc thiết bị trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu của các nhà bản quyền) đều chịu thuế GTGT 10%. Trước khi có Luật số 71 thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất phân bón được khấu trừ hoặc hoàn lại trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Từ khi có Luật, số thuế này phải tính vào tổng mức đầu tư, tăng giá trị tài sản cố định.
Đơn cử, tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, 2 đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón khi thực hiện mở rộng đầu tư đã bị ảnh hưởng bởi Luật 71 dẫn đến thuế GTGT đầu vào trong quyết định đầu tư không được khấu trừ, ghi tăng tài sản. Chẳng hạn, tại Tổng công ty phân bón hóa chất Dầu khí (PVFCCo), dự án NPK đội thêm khoảng 180 tỷ đồng. Tại Công ty cổ phần phân bón Cà Mau (PVCFC), khoảng 80 tỷ đồng thiết bị của dự án NPK không được khấu trừ, phải ghi nhận tăng tổng giá trị đầu tư khoảng 25,33 tỷ đồng.
Chính sách thuế bất cập như vậy dẫn tới việc không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Từ những doanh nghiệp sản xuất phân bón có công nghệ hiện đại dần dần thành các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất phân bón lạc hậu, ngành sản xuất phân bón Việt Nam càng ngày càng “đi thụt lùi”.
Cuối cùng là sản phẩm nông nghiệp và môi trường sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì lẽ đầu vào là các loại phân bón có chất lượng thấp, chắc chắn nông sản đầu ra và môi trường sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Từ những phân tích trên có thể thấy rõ việc loại bỏ thuế GTGT đối với phân bón đang làm giảm đóng góp của doanh nghiệp cho ngân sách Nhà nước, chi phí doanh nghiệp tăng lên, nông dân không được hưởng lợi về giá phân bón như mục tiêu các nhà làm luật đề ra.
Những bất cập này đã được các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhiều lần. Từ tháng 8/2017, Bộ Tài chính đã đưa ra định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và dự thảo Luật sau đó đã quy định thuế suất cho sản phẩm phân bón là 5%, nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận