Doanh nghiệp niêm yết không còn "xấu che..."
Mùa đại hội năm nay, các doanh nghiệp không ngại giãi bày khó khăn cũng như đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm trước. Trước bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro, bất định, dường như những "bước lùi" này dễ nhận được sự cảm thông của cổ đông.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn “cài số lùi”
Là doanh nghiệp tăng trưởng ổn định trong thời gian dài, đem lại lợi suất đầu tư cao cho nhà đầu tư chứng khoán, lãnh đạo lại luôn sẵn sàng trả lời thẳng thắn, trực diện mỗi câu hỏi của cổ đông, chẳng khó hiểu khi đại hội cổ đông thường niên 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) đông nghịt người tham dự.
Một trong những thông điệp đáng chú ý nhất của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát tại đại hội cổ đông năm nay là “giai đoạn khó khăn nhất của ngành thép đã qua đi”. Tuy vậy, Hội đồng quản trị Công ty vẫn trình cổ đông mục tiêu kinh doanh khá thận trọng, với doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.000 tỷ đồng, tăng 5% về doanh thu và giảm 5% về lợi nhuận so với kết quả ghi nhận trong năm ngoái.
Không chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, Hòa Phát còn dự kiến không chi cổ tức để tập trung nguồn vốn đầu tư cho đại dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2.
Ông Long cho biết, nội lực của Hòa Phát và doanh nghiệp ngành thép là tốt, nhưng triển vọng ngắn hạn vẫn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường. Năm ngoái, trong bối cảnh ngành thép khó khăn, Hòa Phát quyết định giảm sản lượng bằng cách ngừng hoạt động 4 lò cao. Với tình hình khả quan hơn trong năm nay, đầu tháng 1 vừa qua, Tập đoàn đã chạy lại 1 lò và dự kiến đầu tháng 4 chạy tiếp lò thứ 2. Hai lò còn lại sẽ được tái khởi động trong quý II, tùy thuộc nhu cầu của thị trường.
Việc một tập đoàn tư nhân quy mô hàng đầu như Hòa Phát thận trọng khi xây dựng mục tiêu kinh doanh 2023 phần nào cho thấy sự suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng trong ngắn hạn, dù hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cả trực tiếp và gián tiếp, đã được Chính phủ ban hành.
Năm nay, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) cũng đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn, với lãi sau thuế 860 tỷ đồng, giảm 8% so với kết quả năm 2022.
Dự thảo tài liệu đại hội cổ đông thường niên của Vinaconex cho thấy, Công ty hướng tới việc ổn định và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn khi giá nguyên vật liệu tăng cao, tín dụng thắt chặt, lãi suất cao, môi trường kinh doanh biến động khó lường.
Tương tự, thông tin từ báo cáo thường niên 2022 của Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) cho biết, trong năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 1.300 tỷ đồng, tăng 10% về doanh thu nhưng giảm tới 44% về lợi nhuận so với năm ngoái. Mức chia cổ tức năm 2023 dự kiến là 20% bằng tiền (2.000 đồng/cổ phiếu), tương đương năm 2022.
Viglacera cho rằng, kế hoạch này được đặt trong bối cảnh giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu có xu hướng tăng. Trong năm nay, một mục tiêu quan trọng của Viglacera là thực hiện lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong báo cáo cập nhật về Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG), Công ty Chứng khoán VNDirect tiết lộ, trong năm nay, Đất Xanh dự định chỉ mở bán dự án DXH Parkview (tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) do điều kiện thị trường không thuận lợi. Đây là dự án khu chung cư cao cấp, xây dựng trên khu đất có diện tích 5,13 ha, quy mô 6.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư 21.728 tỷ đồng. Việc chỉ có một dự án mở bán có thể khiến doanh số ký bán mới của Đất Xanh giảm 33,5% so với năm 2022.
Trước đó, một đơn vị thành viên của Tập đoàn Đất Xanh là Đất Xanh Services (mã DXS) cũng lên kế hoạch đi lùi, với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% so với kết quả thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) công bố kế hoạch kinh doanh trong năm nay với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng, giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Hà Đô cho biết, trong năm nay, Công ty chỉ chú trọng phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm… để tạo nguồn việc cho Công ty và duy trì nguồn thu, thay vì định hướng tăng trưởng như những năm trước.
Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex (mã IJC) vừa công khai tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới). Trong tài liệu này, lãnh đạo Becamex IJC xác định, năm 2023, lĩnh vực kinh doanh bất động sản và khách sạn, vốn đóng góp trên 50% tỷ trọng tổng doanh thu của doanh nghiệp - còn nhiều khó khăn. Do đó, lãnh đạo Công ty trình cổ đông mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 2% so với năm ngoái.
“Điểm yếu phơi bày, không cần làm đẹp số liệu”
Thống kê của FiinTrade cho thấy, trong số 247 doanh nghiệp khối phi tài chính đã có kế hoạch kinh doanh năm 2023, số doanh nghiệp dự kiến lỗ hoặc giảm lợi nhuận chiếm khoảng 40%.
Thống kê của FiinTrade cho thấy, tính tới ngày 2/4/2023, có khoảng 247 doanh nghiệp thuộc khối phi tài chính đã có kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp dự kiến lỗ hoặc giảm lợi nhuận chiếm khoảng 40%, bao gồm không ít doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản - xây dựng, vật liệu xây dựng.
Nguyên nhân đến từ việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này phụ thuộc chính vào vấn đề thanh khoản của thị trường bất động sản và dòng vốn tín dụng. Trong khi cả hai vấn đề này cơ bản chưa thể giải quyết ngay trong năm nay.
Khi thị trường khó khăn, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, “điểm yếu của các doanh nghiệp gần như đã phơi bày, họ không còn cần phải bút toán hoặc làm cho báo cáo tài chính đẹp hơn và vì vậy, các mục tiêu kinh doanh của đa số doanh nghiệp năm nay ở mức thận trọng, thậm chí đặt kế hoạch lỗ là không có gì khó hiểu”.
TS. Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch VCCI nhìn nhận, ở dài hạn, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam vẫn sẽ phải ở câu chuyện của thị trường trong nước. Dư địa hiện nay cho việc khôi phục nền kinh tế nằm ở cải cách thể chế. Nếu các vướng mắc về thủ tục hành chính sớm được tháo gỡ sẽ khơi dậy động lực cho các doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho việc huy động vốn ở cả thị trường trong nước và quốc tế, từ đó giúp các doanh nghiệp cải thiện kết quả kinh doanh.
Công ty Chứng khoán Agriseco vừa đưa ra dự báo, lợi nhuận các ngành trong quý I/2023 có sự phân hóa sâu sắc giữa các nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn. Theo đó, với nhóm bất động sản, lợi nhuận trong quý đầu năm có thể suy giảm do so sánh với mức nền cao của cùng kỳ năm ngoái - giai đoạn diễn ra cơn sốt đất - và nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn; nguồn vốn bị thắt chặt trong môi trường lãi suất cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận