Doanh nghiệp Nhật muốn gỡ khó trên hành trình chọn Việt Nam vào chuỗi cung ứng
Theo Đại sứ Nhật Bản, qua quá trình hỗ trợ của Chính phủ nước này nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng, Việt Nam hiện đứng đầu khi có 37 doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật khuyến nghị Chính phủ Việt Nam và các địa phương cần phải tháo gỡ những hạn chế về chính sách, sự phức tạp kéo dài về mặt thủ tục đang cản trở làn sóng đầu tư.
Những thông tin này được ghi nhận qua Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vào chiều ngày 21-12, theo website Chinhphu.vn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành của Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), đại diện 40 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.
Việt Nam - điểm đến để đa dạng chuỗi cung ứng
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, dù trên thế giới dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Việt Nam đã đạt được thành công trong công tác chống dịch. Trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam đã tăng trưởng dương, trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu đạt 489 tỉ đô la, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đại sứ Nhật Bản nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển sâu sắc, minh chứng qua việc tân Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi nhận chức. Do đó, ông Yamada Takio nhận định rằng các nhà đầu tư trong đó có Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19.
Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, Đại sứ Nhật Bản cho biết Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện gói hỗ trợ 2,3 tỉ đô la Mỹ cho các doanh nghiệp nước này nhằm thúc đẩy đa dạng chuỗi cung ứng.
Qua quá trình hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam hiện đứng đầu khi có 37 doanh nghiệp quyết định đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ hai là Thái Lan với 19 doanh nghiệp.
“Điều này có thể thấy doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng như thế nào về đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tình hình mới,” Đại sứ Yamada Takio nói.
Khuyến nghị tháo gỡ thủ tục
Các hội nghị đối thoại doanh nghiệp do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiến hành là một trong những nội dung nhằm triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp những khó khăn, kiến nghị cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. |
Mặc dù vậy, Đại sứ Nhật Bản cũng nêu ba mong muốn trong đó đáng chú ý là việc Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp đến từ đất nước hoa anh đào.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp nước này đang có dự án hoạt động ở Việt Nam cũng kiến nghị cần sớm tháo gỡ khó khăn liên quan đến các quy định ưu đãi thuế, và thủ tục đầu tư vì còn mất nhiều thời gian, phức tạp...
Cụ thể, theo đại diện Aeon Mall Việt Nam, trong quá trình triển khai các dự án, có dự án mà thời gian từ khi làm thủ tục tới khi nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kéo dài hơn 1 năm.
Đáng chú ý, theo nhà bán lẻ này, dự án thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Thủ tướng còn mất thời gian lâu hơn so với thẩm quyền của tỉnh- thành. Do đó, đại diện doanh nghiệp này đề nghị cần đẩy nhanh hơn quá trình thủ tục cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian; đồng thời cần xử lý song song các thủ tục như giấy phép đầu tư, xây dựng,...
Còn đại diện Công ty Hoya Glass Disk Vietnam nêu ra những điểm bất cập liên quan đến cấp địa phương có cách tính thuế mới, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.
Công ty Hoya đưa dẫn chứng về việc Cục Thuế tỉnh Hưng Yên, địa phương công ty mở nhà máy hoạt động không công nhận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo giấy phép chứng nhận đầu tư ưu đãi.
"Số tiền thuế đó ước tính lên đến 50 triệu đô la Mỹ", đại diện công ty Hoya Việt Nam nêu và cho rằng Cục Thuế tỉnh Hưng Yên bắt đầu có ý kiến không chấp thuận áp thuế ưu đãi từ năm 2018, khiến doanh nghiệp Nhật Bản này đang mất nhiều thời gian để ứng phó với vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề vướng mắc của Hoya Việt Nam, đại diện Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), cho rằng thời gian qua cơ quan thuế đã có văn bản trả lời cho cục thuế địa phương, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp, UBND tỉnh xác định cụ thể để trả lời cho doanh nghiệp.
Theo Vụ Chính sách, vướng mắc liên quan đến giấy phép đầu tư, yêu cầu để hưởng ưu đãi thì sản phẩm làm ra phải thuộc danh mục hưởng ưu đãi. Để xác định được sản phẩm của công ty có thuộc ưu đãi hay không cần phải xác định kỹ lưỡng.
Doanh nghiệp này sản xuất sản phẩm đĩa từ là phôi chưa hoàn chỉnh, nên được phân vào ngành đĩa từ chứ không phải là ngành sản xuất vi tính, không thuộc ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư.
Do đó, đại diện Vụ Chính sách cho rằng các bộ ngành liên quan gồm Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông, cần phải làm rõ sản phẩm này có thuộc danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi đầu tư hay không, để làm căn cứ xác nhận.
Cũng liên quan đến vướng mắc thuế, tại hội nghị đại diện của Suntory Pepsico, Panasonic, Denso,... cũng đã phản ánh những vướng mắc mà theo các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được giải quyết.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là Hội nghị lần thứ 5 trong năm nay của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và là Hội nghị đối thoại mở lần đầu tiên với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Các ý kiến của các doanh nghiệp kiến nghị hôm nay sẽ được tổng hợp để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhất để tháo gỡ khó khăn cho từng nội dung. Qua đó nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản phát triển tại Việt Nam.
Bộ trưởng nhấn mạnh, những vấn đề chưa rõ hoặc chồng chéo trong Luật tại các thời điểm khác nhau sẽ được giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Bộ trường Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ áp dụng chuyển đổi số vào dịch vụ công cũng như tiến tới Chính phủ điện tử để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Về thủ tục, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, từ đầu năm tới nay, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau hơn một năm kể từ ngày chính thức khai trương, đã tích hợp, cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); có hơn 97 triệu lượt truy cập... |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận