Doanh nghiệp ngoại ngày càng khó rời Nga
Các công ty muốn rời Nga có thể phải nộp thêm thuế lợi nhuận bất thường, bên cạnh việc xin phép Moskva và bán tài sản với giá giảm 50%.
Tháng trước, giới chức Nga cho biết đang lên kế hoạch áp thuế lợi nhuận bất thường với các doanh nghiệp tại nước này, có hiệu lực từ đầu năm sau. Trừ ngành dầu mỏ, khí đốt, than đá, các công ty khác có thể bị áp thuế 10% với lợi nhuận bất thường giai đoạn 2021 – 2022 so với 2018-2019.
Hôm 20/4, Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết thuế này có thể áp dụng cả với các công ty sắp rời Nga. Việc này sẽ không có ngoại lệ, do Nga cần bổ sung ngân sách, nguồn tin này giải thích.
Nga đang đối mặt với làn sóng doanh nghiệp ngoại rời đi sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm ngoái. Những cái tên sắp rời Nga là hãng xe Volkswagen, ngân hàng UniCredit và Raiffeisen Bank International.
Thuế này sẽ khiến các công ty càng khó khăn hơn nếu muốn rời đi. Nhiều doanh nghiệp, như McDonald’s và Ford Motor, đã đóng cửa hoạt động tại Nga. Tuy nhiên, số khác, như BP và Philip Morris International, đang đối mặt với sự chậm trễ và các rào cản pháp lý.
Theo quy định hiện tại, các công ty muốn rời Nga sẽ phải xin phép chính phủ và phải bán tài sản với giá giảm 50%. Năm ngoái, giá trị số tài sản mà các công ty ngoại bán ra vào khoảng 15-20 tỷ USD.
Thuế mới dự kiến có hiệu lực từ năm 2024. Tuy nhiên, các công ty được lựa chọn trả ngay năm nay với mức thuế bằng nửa. Những công ty có lợi nhuận trên 1 tỷ ruble sẽ phải đóng thuế này.
Dmitry Polevoy – nhà kinh tế học tại Locko-Invest (Moskva) cho biết thuế mới sẽ gây sức ép lên các doanh nghiệp hóa dầu, kim loại, khai khoáng (trừ than đá), cũng như các ngân hàng. Nếu tất cả công ty chọn trả sớm với mức thuế bằng nửa, Nga có thể thu 300 tỷ ruble (3,7 tỷ USD).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận