Doanh nghiệp “ngấm đòn” khi giá xăng dầu tăng
Giá xăng dầu trong nước tăng lần thứ 4 liên tiếp từ đầu năm 2022, dự báo tác động đáng kể đến giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ, vận tải. Doanh nghiệp nhiều ngành hàng sẽ lao đao.
Chu kỳ tăng giá mới của hàng hóa, dịch vụ
Giá xăng dầu trong nước đã lên mức cao nhất trong 8 năm trở lại đây, gây sức ép lớn đến giá cả hàng hóa, đặc biệt là những lĩnh vực chịu tác động trực tiếp như vận chuyển, sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Cụ thể, từ 15h chiều 21/2, liên bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 là 25.530 đồng/lít (tăng 960 đồng); RON 95 là 26.280 đồng/lít (tăng 960 đồng).
Với mức tăng lần này, giá xăng RON 95 trong nước hiện đã vượt đỉnh lịch sử và xác lập kỷ lục mới (thời điểm tháng 7/2014, xăng RON 95 giá 26.140 đồng/lít).
Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu hôm 21/2 là kỳ tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng từ cuối tháng 12/2021. Còn tính từ đầu năm 2022 đến nay là kỳ điều chỉnh tăng giá lần thứ 4.
Như vậy, giá xăng RON 95 đã tăng 3.480 đồng so với giữa tháng 12/2021; còn E5 RON 92 đắt thêm 3.450 đồng; dầu diesel 3.470; dầu hỏa 3.180 đồng.
Giá xăng dầu trong đà tăng liên tục sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc phục hồi kinh tế sau đại dịch, đặc biệt với ngành sử dụng nhiều xăng dầu.
Tương tự, dầu hoả tăng 750 đồng/lít, lên 19.500 đồng, dầu diesel là 20.800 đồng/lít, tăng hơn 940 đồng, dầu madut là 17.930 đồng/kg, tăng 280 đồng.
Thực tế, chưa cần đến 2 đợt tăng giá xăng dầu gần nhất, hôm 11/2 và 21/2, giá cả nhiều loại hàng hóa, từ mớ rau, con cá, cân thịt… đã thiết lập mặt bằng giá mới ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, với mức tăng thêm từ 15 đến 20% so với trước Tết. Từ đây đã tác động tiêu cực đến đời sống của các hộ gia đình khi chưa ra khỏi cơn khốn khó của 2 năm đại dịch. Các doanh nghiệp trong mọi ngành sản xuất cũng không đứng ngoài vòng ảnh hưởng.
Với đợt tăng giá gần nhất, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ… chắc chắn phải điều chỉnh giá để cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, vận tải hành khách và vận tải hàng hóa phải tính đến phương án tăng giá đầu tiên. Đại dịch khiến các hãng vận tải “bất động” quá lâu, khi rục rịch hoạt động trở lại, khách đi xe đã giảm mạnh 50% so với trước dịch, thì lại đối mặt với xăng dầu tăng phi mã.
“Đợt tăng giá xăng dầu hôm 21/2 đã là kỳ tăng giá thứ 4 từ đầu năm 2022 đến nay. Với 3 lần tăng trước, doanh nghiệp chưa có động thái điều chỉnh giá cước, nhưng với đợt tăng giá mới này, chúng tôi không thể duy trì mức giá cũ được nữa”, ông Hoàng Văn Thái, nhà xe chạy tuyến Sơn La - Hà Nội chia sẻ.
Đối với hoạt động vận tải hành khách, theo tính toán của Hiệp hội Taxi Hà Nội, đại dịch kéo dài đã khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Trong khi đó, xăng dầu chiếm tới 35-40% giá thành vận tải. Khi xăng dầu tăng, dù không muốn, nhưng các doanh nghiệp sẽ phải tính toán tăng giá cước vận tải.
Công ty CP Vận tải Liên Thắng (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho hay, là doanh nghiệp chuyên chở hàng hóa đi nhiều tỉnh phía Bắc và miền Trung, ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu rất lớn. Với việc vận tải vẫn đang chịu hậu quả của Covid-19 chưa phục hồi, nay thêm giá xăng dầu tăng liên tục, nhà xe chịu không nổi, Công ty cũng tính toán để điều chỉnh mức tăng hợp lý với từng đối tượng khách hàng.
Áp lực lên lạm phát
Một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy giá cả tăng, gây ra lạm phát là do mất cân đối cung cầu. Tại kỳ điều hành hôm 21/2, Bộ Công thương thừa nhận, thị trường xăng dầu thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai những biện pháp phục hồi kinh tế.
Cụ thể, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/2/2022 và kỳ điều hành ngày 21/2/2022 là 108,262 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,842 USD/thùng, tương đương 5,7% so với kỳ trước); 110,648 USD/thùng xăng RON95 (tăng 6,044 USD/thùng, tương đương 5,78% so với kỳ trước)…
Giá xăng, dầu neo ở mức cao và liên tục được điều chỉnh theo giá thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp, làm tăng giá thành sản xuất, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên cao sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, từ đó áp lực đến lạm phát. Theo tính toán, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế.
Một vấn đề nữa là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu. Đây cũng là nguyên nhân không nhỏ tạo áp lực lên lạm phát.
Cùng với xăng dầu thì than đá - một loại nhiên liệu đầu vào phục vụ nhiều ngành sản xuất như điện, xi măng, hóa chất cũng tăng giá rất mạnh. Tháng 1/2022, nhập than đá giảm 20% về lượng, nhưng do giá than tăng đã khiến chi ngoại tệ nhập khẩu tăng 88% so với cùng kỳ, trị giá 486 triệu USD.
Chánh văn phòng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), ông Hà Quang Hiện nhận định, khối sản xuất xi măng thuộc Vicem chắc chắn không nằm ngoài ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, bởi từ khâu vận chuyển nguyên liệu về nhà máy, cho đến vận chuyển hàng hóa thành phẩm đều bị tăng chi phí. Các đơn vị phụ trách tiêu thụ, vận chuyển xi măng sẽ phải tính toán lại cơ cấu giá thành để có mức điều chỉnh phù hợp.
Còn đối với người dân, phương án thắt chặt chi tiêu sẽ tiếp tục là giải pháp được áp dụng triệt để.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận