Doanh nghiệp nào đang “ôm” nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất?
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã tham gia đấu thầu các dự án đầu tư có sử dụng đất để có cơ hội làm chủ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị trên những khu đất có giá trị nhưng chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB). Trong số đó, có những doanh nghiệp trúng nhiều và đang phải triển khai đồng thời nhiều dự án.
Theo thống kê sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu, từ tháng 5/2019 đến nay, Công ty CP Bất động sản HANO-VID được công bố trúng ít nhất 9 dự án đầu tư có sử dụng đất xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư. Trong đó, 7 dự án độc lập trúng, 2 dự án liên danh với Công ty CP Đầu tư phát triển bất động sản TNR. Các dự án này ở nhiều tỉnh thành, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ, đến Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đắk Nông. Với tiến độ thực hiện ngắn nhất là 18 tháng, dài nhất là 50 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực, hầu hết các dự án đều đang trong thời gian thực hiện. Tổng chi phí thực hiện 9 dự án này vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Có thể kể đến một số dự án lớn như Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng có tổng chi phí thực hiện 514 tỷ đồng; Khu nhà ở đô thị Lâm Thao, Phú Thọ (782 tỷ đồng); Khu nhà ở Sông Thao, Phú Thọ (842 tỷ đồng).
Cùng thời điểm tháng 5/2019, trong khi HANO-VID trúng Dự án Phát triển đô thị số 10A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng, thì Liên danh Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang được công bố trúng Dự án Phát triển đô thị số 9A, phường Sông Hiến, TP. Cao Bằng (658 tỷ đồng, thời gian thực hiện 50 tháng). Liên danh này còn trúng 2 dự án khác tại Đắk Lắk và Tiền Giang trong nửa cuối năm 2019, với tổng chi phí thực hiện 2 dự án khoảng 812 tỷ đồng.
Công ty CP Bất động sản Mỹ, từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2020, được công bố trúng ít nhất 6 dự án khu đô thị, trong đó có 1 dự án liên danh với Công ty CP May - Diêm Sài Gòn. Trong khi đó, Công ty CP May - Diêm Sài Gòn, ngoài dự án liên danh với Bất động sản Mỹ, còn trúng 2 dự án tại Hòa Bình và Gia Lai trong năm 2019, 2020.
Theo nhiều nguồn tin, HANO-VID, Việt Hân, Nam Quang, Bất động sản Mỹ, May - Diêm Sài Gòn đều có liên quan hoặc từng có liên quan đến Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là Tập đoàn TNG Holdings).
Một số doanh nghiệp khác cũng được công bố trúng khá nhiều dự án, như Công ty CP Kosy với 4 dự án từ tháng 12/2019 trở lại đây. 4 dự án này gồm Khu nhà ở thương mại Đá Lả, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình (285 tỷ đồng); Khu đô thị số 11, phường Gia Sàng, TP. Thái Nguyên (584 tỷ đồng); Khu nhà ở đô thị KOSY Hà Nam (243 tỷ đồng); Tiểu khu đô thị mới số 16, TP. Lào Cai (1.378 tỷ đồng). Cũng chỉ trong 2 năm qua, Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh (Hải Dương) trúng 5 dự án với tư cách độc lập hoặc liên danh...
Lãnh đạo một doanh nghiệp trúng nhiều dự án chia sẻ, tuy tổng mức đầu tư các dự án nhìn vào rất lớn, nhưng doanh nghiệp không phải bỏ hết số tiền đó ngay lập tức, mà mới phải đóng giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu (thường không lớn), ứng chi phí GPMB… Sau khi GPMB, có quyết định giao đất, doanh nghiệp triển khai thực hiện một phần, đạt tiến độ đáp ứng theo quy định của pháp luật thì đã có thể đưa vào kinh doanh, huy động vốn.
Còn theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, việc nhà đầu tư cùng lúc trúng thầu và thực hiện nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất là không bất thường, vì doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn thường phân bổ vốn, nguồn lực cho nhiều dự án, nhiều thị trường để cân đối rủi ro, lợi nhuận... Với các dự án lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, hợp đồng cũng ràng buộc chặt chẽ về tiến độ thực hiện, trách nhiệm của nhà đầu tư. Các dự án chủ yếu là nhà ở thương mại, khu đô thị và doanh nghiệp cũng mong muốn thực hiện nhanh để sớm chào bán, hoàn vốn.
Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư và khả năng huy động vốn vay là rất quan trọng. Khi xét thầu, bên mời thầu cần đánh giá nghiêm túc, cẩn trọng, yêu cầu nhà đầu tư phải kê khai trong hồ sơ dự thầu vốn chủ sở hữu đang bố trí thực hiện tại các dự án khác, chứng minh vẫn còn đủ vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án đang xét. Thông thường vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 15 - 20% tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ phải ứng chi phí GPMB. Vì thế, chuyên gia này cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp cùng lúc triển khai nhiều dự án sẽ có áp lực rất lớn trong việc ứng chi phí, cũng như tổ chức thực hiện GPMB - một khâu quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện dự án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận