Doanh nghiệp một quý bị thanh tra 18 lần, kết quả chỉ phát hiện 4kg hoa quả không rõ nguồn gốc
Doanh nghiệp một quý bị thanh tra 18 lần, kết quả chỉ phát hiện… 4kg hoa quả không rõ nguồn gốc, phạt 18 triệu đồng. Có đáng không?
Tại buổi họp mặt các hiệp hội doanh nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2020 tổ chức tại Cần Thơ sáng 7-7, ông Phạm Đình Vũ - chánh văn phòng Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm chánh văn phòng Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cho biết trong 6 tháng đầu năm, cộng đồng doanh nghiệp có 2 sự kiện đáng chú ý.
Thứ nhất là tác động của dịch COVID-19 mà theo ông Vũ đã khiến 100% doanh nghiệp bị "nhiễm", đến nay tỉ lệ phá sản cũng rất nhiều.
Thứ hai là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (VFTA) vừa được Quốc hội thông qua được xem là "đường cao tốc" để nối thị trường Việt Nam và thị trường châu Âu.
Theo ông Vũ, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như trên, Chính phủ, Thủ tướng đã đề ra những biện pháp quyết liệt để phục hồi kinh tế.
"Tuy nhiên để đột phá, doanh nghiệp có thể bật như lò xo, làm sao để sơ đồ phục hồi kinh tế không phải hình chữ U mà là chữ V, rõ ràng câu chuyện làm sao tạo ra môi trường an toàn, thuận lợi, chi phí thấp cho doanh nghiệp được coi là bệ đỡ quan trọng để doanh nghiệp bứt phá được như kỳ vọng của Chính phủ", ông Vũ nói.
Về "cao tốc" VFTA, ông Vũ cho rằng điều đó đặt ra một vấn đề là cải cách mà cụ thể là cải cách thể chế. Doanh nghiệp sẽ không thể nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường và không thể bứt phá sau đại dịch COVID nếu như vẫn còn tình trạng một rừng điều kiện kinh doanh.
"Thứ hai là thanh tra, kiểm tra, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ là chúng ta không thanh tra quá 1 lần trong năm, nhưng ngay tại thủ đô Hà Nội chúng tôi biết có những doanh nghiệp làm thương mại một quý phải đón... 18 đoàn thanh tra.
Câu chuyện ở đây là kết quả thanh tra chỉ nêu được doanh nghiệp đó chỉ nhập 4kg hoa quả không xuất xứ nguồn gốc, phạt 18 triệu đồng. Với số lần thanh tra nhiều mà kết quả thu được từ các lần thanh tra như vậy có đáng không. Đây là câu chuyện cần xem xét. Rồi vấn đề có doanh nghiệp xin giấy phép xây dựng mất 3 đến 5 năm.
"Chừng nào chúng ta chưa khắc phục được những hạn chế đó, những rào cản đó không dỡ bỏ được thì liệu rằng doanh nghiệp tham gia được vào cao tốc hay không? Bứt phá hay không?", ông Vũ nói.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng lưu ý việc cải cách thể chế, ngoài nỗ lực của Chính phủ thì cộng đồng doanh nghiệp cũng phải tự nâng cao năng lực quản trị của mình và vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng.
Hiệp hội ở trung ương phản biện chính sách tốt hơn hiệp hội địa phương
Cũng tại buổi họp mặt, VCCI công bố sơ bộ một số kết quả trong quá trình khảo sát 1.000 doanh nghiệp tham gia một hiệp hội ngành nào đó và doanh nghiệp chưa tham gia hiệp hội nào.
Kết quả cho thấy so với kết quả khảo sát năm 2015, doanh nghiệp cho rằng vai trò của các hiệp hội còn mờ nhạt thì hiện tại có 65,7% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng hiệp hội đã làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ.
Các doanh nghiệp cũng đánh giá hiệp hội tầm quốc gia phản biện chính sách tốt hơn hiệp hội ở địa phương và cũng cho rằng mảng vận động chính sách của các hiệp hội ở địa phương còn yếu. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại đánh giá khâu tổ chức gặp gỡ, giao lưu, hội hè của hiệp hội ở địa phương lại tốt hơn hiệp hội cấp trung ương. . .
Theo VCCI, hiện cả nước có khoảng 500 hiệp hội các ngành nghề, nếu tính luôn cả chi hội cấp huyện, phường, xã thì con số này khoảng 700.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận