Doanh nghiệp mong bảo hiểm phải thực sự là “phao cứu sinh”
Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) - một trong 7 dự án luật được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 10/2021 đã làm nóng nghị trường trong các buổi thảo luận.
Tại cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với giới doanh nhân Việt Nam do VCCI tổ chức vừa qua, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Western Pacific (công ty mẹ của Công ty cổ phần Pan Pacific Logistics) đã đưa ra kiến nghị liên quan đến luật Bảo Hiểm.
Theo bà Huệ: "Luật Bảo hiểm gồm có bảo hiểm tài sản và bảo hiểm liên quan đến con người. Luật Bảo hiểm đang có nhiều bất cập, chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cả bên mua và bên bán. Khi có sự cố xảy ra, để doanh nghiệp lấy được bồi thường từ cơ quan bảo hiểm là rất khó khăn bởi việc áp dụng Luật, hay các thông lệ quốc tế...".
Kiến nghị này xuất phát từ thực tế Pan Pacific đang gặp phải. Bà Huệ cho biết, Pan Pacific Logistics là một doanh nghiệp Việt Nam thuộc ngành dịch vụ logistics, công ty đã xây dựng một kho xưởng rộng 30.000 m2, được đi vào hoạt động năm 2019, tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ngoài chức năng là một kho vận, nơi lưu hàng hóa của các khách hàng do chính Pan Pacific điều hành và quản lý, kho này còn cho một số đơn vị đối tác thuê để làm kho chứa hàng hóa.
Sau khi đưa vào vận hành chưa lâu, đến ngày 11/4/2019, một trong số các đối tác thuê kho tại đây đã gây ra sự cố hỏa hoạn. Đám cháy nhanh chóng lan ra và thiêu rụi gần 20.000 m2 kho này cùng hàng trăm tấn hàng hóa của Công ty Pan Pacific cũng như các đối tác khác.
Trước khi có rủi ro này, Công ty Pan Pacific Logistics đã trang bị 2 gói bảo hiểm cho các hoạt động của công ty gồm Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và các rủi ro đặc biệt; và Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm công cộng. Thế nhưng, sau khi sự cố xảy ra thì đơn vị bán bảo hiểm lại đưa ra rất nhiều lý do để giảm mức chi trả bồi thường và chậm trễ chi trả.
Trong 2 năm qua, Công ty Pan Pacific đã phải tự xoay sở để thực hiện các bồi thường cho khách hàng và đối tác. Theo bà Huệ, thủ tục đánh giá mức thiệt hại và chi trả bồi thường từ đơn vị bảo hiểm sau vụ cháy cho đến nay vẫn còn chậm trễ và chưa thỏa đáng, gây khủng hoảng cho Công ty Pan Pacific và nhiều bên liên quan, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tái thiết lập kinh doanh của Công ty.
"Xảy ra sự cố hỏa hoạn mà không được đơn vị bảo hiểm bồi thường cộng thêm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã khiến Western Pacific rất khó khăn, vất vả. Chính vì thế, chúng tôi mong rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ được sửa đổi để đảm bảo hơn về quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp, cho người mua, để bảo hiểm thực sự là “phao cứu sinh” cho các cá nhân và doanh nghiệp khi có rủi ro xảy ra", bà Huệ nhấn mạnh.
Câu chuyện của Pan Pacific chỉ là một trong rất nhiều ví dụ xảy ra trong thực tế, nhiều các doanh nghiệp khác gặp tình huống tương tự.
Cụ thể là vụ va chạm xảy ra từ ngày 21/10/2017, tàu của Công ty Thép Việt Mỹ va chạm với một tàu hàng khác, khiến toàn bộ lô hàng 1.799 tấn thép bị chìm. Sự việc đã được đưa ra Tòa án từ năm 2018 để giải quyết nhưng đến nay hai bên vẫn đang tranh chấp…
Trao đổi tại phiên thảo luận về Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) trước đó , ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho biết, tại Đồng Nai, nơi trước đây ông từng công tác, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp phải ra tòa án, nhưng có những vụ kéo dài mấy năm không xử được. Nguyên nhân là do nhiều trường hợp, người tham gia bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm do một số câu chữ mà khi ký hợp đồng, họ không nhận thức hết được.
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị, trong lần sửa đổi này, cần quy định hợp đồng mẫu để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên.
Theo tờ trình của Chính phủ về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), một trong những nội dung được tập trung sửa đổi lần này là nhóm chính sách về hoàn thiện hợp đồng bảo hiểm, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm.
Cho ý kiến Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) vào phiên họp trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, quy định về hợp đồng bảo hiểm trong Dự thảo luật sửa đổi cần được rà soát lại để “khớp” với hợp đồng dân sự (trong Bộ luật Dân sự), đảm bảo chặt chẽ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm.
Theo ông Vương Đình Huệ, quy định về hợp đồng bảo hiểm tại Dự thảo còn nặng về bảo vệ quyền lợi người bán hơn là người mua bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành không có quy định về việc doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhất là các điều khoản loại trừ (điều khoản khiến cho khách hàng không được bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm).
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ cung cấp các điều khoản loại trừ sau khi đã phát hành hợp đồng cho khách hàng, nhiều khách hàng chủ quan không đọc kỹ hợp đồng và các điều khoản loại trừ khi công ty bảo hiểm phát hành hợp đồng nên khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đã không được bồi thường, từ đó gây mất niềm tin cho khách hàng khi tham gia bảo hiểm.
Chính vì thế, theo Bộ tài chính, Dự thảo luật lần này sẽ có những điểm mới có nội dung liên quan đến việc “Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận