Doanh nghiệp khốn đốn vì tin đồn trên mạng xã hội
Verizon, The North Face và mới đây nhất là Unilever, Coca Cola nằm trong số những thương hiệu lớn tuyên bố dừng quảng cáo trên Facebook.
Quyết định trên nhằm phản đối cách xử lý thông tin sai lệch và việc lợi dụng sự thiếu kiểm duyệt nội dung của mạng xã hội này cho những “chiêu trò” truyền thông
Chiến dịch tẩy chay có tên #StopHateForProfit (Chấm dứt kiếm lời từ sự thù địch) kêu gọi các doanh nghiệp tẩy chay Facebook bằng cách rút quảng cáo trên mạng xã hội này với mong muốn Facebook xây dựng một nền tảng an toàn hơn thay vì tiếp tục kiếm tiền từ những nội dung gây trái chiều dư luận.
“Tiếp tục quảng cáo trên những nền tảng này vào lúc này sẽ không tạo thêm giá trị cho mọi người và xã hội", tuyên bố của Unilever nêu rõ. Không chỉ riêng Unilever, tất cả các nhãn hàng lớn đều cho rằng các nền tảng công nghệ - đặc biệt là Facebook thu lợi từ những bài đăng có chiều hướng ghét bỏ và truyền bá thông tin sai lệch của người dùng.
Năm 2018, các báo cáo tiết lộ rằng mạng xã hội này đã bị lợi dụng để tung tin giả, kích động tội ác diệt chủng đối với người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi ở quốc gia này. Khi đó, các nhóm dân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền ở Myanmar hành động và yêu cầu Facebook tăng cường kiểm duyệt nội dung viết bằng tiếng Burmese để kiềm chế ngôn ngữ thù địch.
Ở Việt Nam, báo cáo Social Media Stats cho biết, vào tháng 5/2019 Việt Nam có 57,43% cư dân sử dụng Facebook, con số này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới, cùng với đó là sự lan truyền chóng mặt những nội dung mang tính thị phi trên mạng xã hội được đăng tải không qua kiểm duyệt, đã khiến không ít các cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp phải đau đầu xử lý hệ lụy.
Chiến dịch truyền thông bẩn
Lợi dụng sự cả tin của người dùng và tính chất lan truyền của mạng xã hội, “Những đòn đánh dưới thắt lưng” là câu chuyện giới kinh doanh thường xuyên phải đối mặt đang xuất hiện ngày một nhiều hơn tại Việt Nam, mà còn xảy ra không ít trong thương trường quốc tế.
Năm 2013, một nhà sản xuất thiết bị di động lớn bị phát hiện đã trả tiền cho một nhóm học sinh Đài Loan để đăng các nhận xét giả mạo về sản phẩm smartphone của đối thủ cạnh tranh là HTC. Năm 2015, một công ty marketing tại Singapore là Gushcloud đã trả tiền cho các blogger để nói xấu đối thủ là Singtel, công ty viễn thông hàng đầu Singapore.
Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, đơn cử như nhãn hàng Sting của Pepsi, từng bị một tài khoản cá nhân trên Facebook tố cáo việc anh ta bị suy thận là do uống quá nhiều Sting. Sau khi thông tin này được đăng lên thì nó đã lan tỏa chóng mặt trên Facebook.
Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận. Pepsi sau đó đã kiến nghị lên Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Facebook phải gỡ thông tin giả mạo xuống.
Không chỉ những thương hiệu lớn như nước giải khát Pepsi, Coca Cola, ngân hàng BIDV... từng là nạn nhân của tin đồn thất thiệt, ác ý mà nhiều doanh nghiệp lĩnh vực du lịch, thực phẩm, mỹ phẩm làm đẹp... cũng bị lợi dụng hoặc vu khống.
Gần đây nhất, một bài đăng bắt đầu từ 1 trang nhóm trên Facebook tố cáo một vụ tự tử có liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của công ty tài chính FE CREDIT, ngay sau đó đã lan truyền nhanh trên mạng xã hội và gây chú ý giới truyền thông.
Tuy một số báo chính thống sau đó đã đăng tin đính chính về việc chưa có kết luận chính thức nhưng một loạt bài đăng khác vẫn được đăng lên Facebook một cách bài bản, chuyên nghiệp. Có thể thấy khi đó, câu chuyện đã trở thành lá bài thương mại của các nhóm trục lợi nhằm uy hiếp danh tiếng thương hiệu.
Sau đó một tuần, FE CREDIT mới chính thức lên tiếng khẳng định nhân viên của họ không có những hành động như trong nội dung bài đăng và đang hỗ trợ cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan chức năng để chứng minh sự trong sạch nhưng những nội dung tiêu cực kia đã vô hình chung tạo nên một làn sóng tẩy chay của nhiều khách hàng khác.
Có thể tác động nhưng không thể né tránh
Thách thức đối với các công ty Việt Nam, cũng như khu vực châu Á là họ thường có xu hướng bảo thủ, tự ái và chậm đưa ra quyết định trong các tình huống. Thậm chí, họ nhiều khi ít có nhu cầu xử lý các sự kiện dù rất tiêu cực đối với công chúng.
Còn với Facebook, có thể thấy họ đang gặp phải vấn đề với fake news (tin tức giả mạo). Hồi tháng 5/2018, Facebook đã miễn cưỡng thừa nhận về sự tồn tại của fake news, và công bố đang tích cực để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nhưng thực tế thì tình trạng tin tức giả mạo, tin sai sự thật vẫn được lan truyền trên Facebook không ngừng.
Chưa kể, phần lớn số doanh thu quảng cáo còn lại đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu muốn gây tác động lớn đến Facebook là điều không dễ dàng.
Do đó, để chủ động gìn giữ uy tín thương hiệu trước những luồng tin trái chiều trên mạng sã hội này, các doanh nghiệp và tổ chức phải có phản ứng nhanh hơn, cởi mở và trung thực hơn trong các tình huống tiêu cực khi chúng xuất hiện.
Nếu không, các tổ chức sẽ dễ dàng trở nên không chuyên nghiệp, không quan tâm hoặc thậm chí tệ hơn, che giấu điều mờ ám trong mắt công chúng.
Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số năm 2020 vừa được Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters của Đại học Oxford (Anh) công bố cho thấy vai trò của Facebook như một nguồn cung cấp tin tức đang suy giảm ở Australia, với tỷ lệ người dân tìm đọc tin tức trên mạng xã hội này giảm từ 45% vào năm 2016 xuống còn 39% vào năm 2020. So với các trang tin và nền tảng xã hội khác, Facebook có tỷ lệ độc giả lo ngại về tin giả hoặc thông tin sai lệch cao nhất, ở mức 36%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận