Doanh nghiệp gỗ Việt phải chủ động hơn nữa
Là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 5 thế giới, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt hướng đến làm chủ sản phẩm xuất khẩu của mình
Năm 2019 được xem là điểm mốc quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, bởi hàng loạt những biến động mới từ các quy định kỹ thuật khắt khe ở thị trường xuất khẩu cũng như sự chuyển mình của doanh nghiệp trong nước, chủ động sản xuất hàng xuất khẩu.
Ông Trần Anh Vũ, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới, thứ 2 châu Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thị trường này của Việt Nam đã mở rộng đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, sản phẩm chủ yếu là đồ gỗ nội thất, ngoại thất chất lượng cao. Giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam tăng theo từng năm.
Trong năm tháng đầu năm 2019 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD, tăng hơn 21% trong 4 tháng đầu năm 2019. Các mặt hàng khác thuộc nhóm đồ gỗ nội thất như nội thất văn phòng, phòng khách, phòng ăn… cũng tăng kim ngạch xuất khẩu 16% so với cùng kỳ năm 2019. Còn lại mặt hàng dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn... cũng là nhóm hàng xuất khẩu chính, với mức tăng trên 19,5% so với 5 tháng đầu năm 2018.
Tại hầu hết các quốc gia nhập khẩu chủ lực đều có sự gia tăng kim ngạch. Đó là các thị trường Áo tăng đến 622,6%, Bồ Đào Nha tăng 159,3%, các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (U.A.E) tăng 93,5%, Nga tăng 90,2%... Với mức tăng đều ở tất cả nhóm ngành hàng gỗ như hiện tại, thì mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD/2019, 13 tỷ USD/2020 và đến năm 2025 đạt 20 tỷ USD là không quá khó.
Đặc biệt, trong điều kiện doanh nghiệp Việt đang vươn mình, đầu tư mạnh vào trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh khâu thiết kế mẫu mã để tăng giá trị hàng xuất khẩu, giảm tình trạng sản xuất gia công, làm thuê cho các thương hiệu lớn nước ngoài.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Công ty VietGo (doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào lĩnh vực tư vấn xúc tiến xuất khẩu) nhận định, năm 2019 này, các doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến gỗ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít áp lực, đặc biệt, là khi Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu có nguồn gốc hợp pháp (kể cả việc khai thác gỗ từ rừng trồng và nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp, phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác). Đáp ứng được các điều kiện này, doanh nghiệp Việt có thể tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới.
Lại nữa, ở nhóm sản phẩm gỗ cao cấp, thì các doanh nghiệp Việt chưa thể so sánh được với các “đồng nghiệp” đến từ Đức, Ý, Ba Lan, Thụy Điển. Hiện sản phẩm của các nước này đều được tự động hóa trong sản xuất gần như 100%. Như thế, muốn cải thiện tình hình thì doanh nghiệp Việt phải tăng đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại, cũng như chủ động đầu tư từ khâu thiết kế, quản lý đến sản xuất, tiếp thị sản phẩm…
Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp Việt “buông xuôi”, thì các doanh nghiệp nước ngoài có vốn, có công nghệ hiện đại sẽ đổ xô đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp nội sẽ trở thành người làm thuê cho nhà đầu tư ngoại ngay trên sân nhà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận