Doanh nghiệp gỗ Trung Quốc “gặp hạn” vì mất đơn hàng Mỹ
Nhiều doanh nghiệp gỗ Trung Quốc gặp khó khăn lớn khi chứng kiến đơn hàng từ Mỹ giảm mạnh do các sản phẩm của họ đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% của Mỹ. Thậm chí, một doanh nghiệp gỗ ví đòn thuế của Mỹ như là “bản án tử” đối với một số công ty gỗ Trung Quốc.
Các công ty gỗ Trung Quốc đang bấu víu vào tia hy vọng mới sau khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí dừng cuộc chiến thuế tại cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng trước.
Họ hoan nghênh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nối lại đàm phán thương mại trong bối cảnh các khách hàng Mỹ gần như “biến mất” kể từ khi các sản phẩm của họ chịu mức thuế nhập khẩu vào Mỹ 25% kể từ ngày 1-6, tăng so với mức 10% Mỹ áp từ hồi tháng 9 năm ngoái.
“Các căng thẳng thương mại dường như quá dễ thay đổi đến nỗi chúng tôi không có bất kỳ manh mối nào về cách để thích nghi với tình hình đang thay đổi quá nhanh”, Zhang Xiaojun, Giám đốc kinh doanh của công ty gỗ Haining Mengnu Group ở tỉnh Chiết Giang, nói. Trước đây, mỗi năm, công ty này xuất khẩu sofa và các sản phẩm gỗ nội thất khác trị giá 2 tỉ nhân dân tệ (291 triệu đô la Mỹ) sang Mỹ.
Theo Tổng công ty Vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), các công ty sản xuất đồ gỗ nội thất bị tác động lớn nhất sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo nâng mức áp thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm hồi đầu tháng 5.
CICC ước tính mức thuế 25% tương đương 34,2% tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ của Trung Quốc vào năm ngoái.
Các công ty gỗ ở Trung Quốc đại lục sản xuất khoảng 701 tỉ nhân dân tệ giá trị sản phẩm gỗ vào năm 2018, tăng 4,3% so với năm trước đó, theo Hiệp hội nội thất quốc gia Trung Quốc. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ chiếm đến 10% tổng sản lượng đồ gỗ hàng năm của Trung Quốc, tương đương 70 tỉ nhân dân tệ.
Zhang Xiaojun cho biết mức thuế nhập khẩu gỗ Trung Quốc vào Mỹ tăng lên kể từ tháng 6-2019 đang “tàn phá” công ty ông vì doanh thu của Haining Mengnu Group phụ thuộc lớn vào các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
“Mức thuế 25% gây thiệt hại cho chúng tôi vì khách hàng Mỹ từ chối đặt hàng với mức giá cao ngất sau khi được cộng thêm chi phí thuế. Điều này đã giết chết công việc kinh doanh của chúng tôi”, Zhang than thở.
Một lãnh đạo giấu tên của một công ty gỗ ở TP Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông cho biết, hàng chục công ty gỗ ở Quảng Đông đã mất đơn hàng ở thị trường Mỹ.
Vị lãnh đạo này cho biết giờ đây, các công ty gỗ đang chuyển sang phương án “án binh bất động” để chờ xem kết quả tiếp theo của tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tác động của chiến tranh thương mại có thể được cảm nhận qua giá cổ phiếu của các công ty gỗ có các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Jason Furniture, công ty sản xuất sofa và giường ngủ có trụ sở ở TP Hàng Châu, có 38% doanh thu đến từ các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2018. Giá cổ phiếu của công ty này trên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải suy giảm 1% kể từ hồi đầu năm nay, trong khi đó chỉ số Shanghai Composite tăng 13%. Công ty ghi nhận lợi nhuận trong quí 1-2019 tăng 10%, thấp hơn mức tăng 20% vào cùng kỳ năm ngoái.
Trong một báo cáo hồi tháng 5, công ty chứng khoán China Securities cho biết Jason Furniture đang lên kế hoạch thành lập các nhà máy ở nước ngoài và điều chỉnh cơ cấu khách hàng để giúp giảm nhẹ tác động từ đòn thuế của Mỹ.
Những nỗ lực tinh giản quy trình sản xuất kết hợp với đồng nhân dân tệ suy yếu cũng giúp công ty này giảm phần nào chi phí sản xuất.
Một số công ty gỗ của Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất gọn nhẹ và biên lợi nhuận mỏng khiến họ bị hạn chế khả năng điều chỉnh giá khi đối mặt với mức thuế cao của Mỹ.
Zhang cho biết điều chỉnh giá bán giảm 10% sẽ xóa sạch toàn bộ lợi nhuận của các đơn hàng bán sofa của Haining Mengnu Group sang Mỹ vì biên lợi nhuận của công ty rất thấp.
“Mức thuế 25% là bản án tử đối với các công ty gỗ như chúng tôi vì biên lợi nhuận ròng của chúng tôi chỉ ở mức khoảng 5%. Chúng tôi không đủ khả năng giảm giá hơn được nữa”, ông nói.
Trong khi đó, một số công ty gỗ ở Trung Quốc tỏ ra lạc quan hơn.
Feng Rong, một quản lý ở công ty sản xuất đồ gỗ Boeason ở thị xã Từ Khê, tỉnh Chiết Giang, cho biết thị trường trong nước có thể hấp thu một số tác động từ các đòn thuế của Mỹ.
“Trung Quốc vẫn là một thị trường đang phát triển với hàng triệu người đang tìm cách cải thiện các điều kiện sống. Những mất mát sản lượng lượng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ có thể được thị trường trong nước hấp thụ trong 2-3 năm tới”, Feng Rong nói.
Các công ty gỗ khác cũng cho rằng nhu cầu trong nước đang bắt đầu thay thế các thị trường nước ngoài với tư cách là động lực tăng trưởng của ngành gỗ.
“Ngày nay, không có gì bất thường nếu một khách hàng đặt mua các sản phẩm gỗ nội thất có giá từ 300-400 ngàn nhân dân tệ (43.500 - 58.000 đô la) vì họ đủ giàu và muốn sở hữu những sản phẩm cao cấp để thể hiện địa vị xã hội của họ. Thị trường trong nước vẫn có tiềm năng rất lớn”, Ni Yanan, một giám đốc bán hàng ở công ty gỗ A-Zenith ở Thượng Hải, nói.
Theo South China Morning Post
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận