Doanh nghiệp FDI mong Việt Nam sớm công bố Quy hoạch điện VIII
Theo các doanh nghiệp FDI, việc sớm ban hành Quy hoạch điện VIII sẽ giúp đảm bảo nguồn lực đầu tư vào sản xuất điện, phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Trao đổi ý kiến tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên sáng 19/3, vấn đề liên quan đến năng lượng tái tạo, cơ chế mua bán điện, Quy hoạch điện VIII nhận được sự quan tâm lớn của khối doanh nghiệp FDI.
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch EuroCham cho rằng, việc sử dụng năng lượng tái tạo là nhiệm vụ cấp bách và có ảnh hưởng lớn để thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Để làm được điều này, phía EuroCham kiến nghị Chính phủ Việt Nam khuyến khích tất cả các bên tiêu dùng điện đầu tư vào năng lượng tái tạo. Để giảm lượng khí thải carbon và thúc đẩy một tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch hơn. “Điều cần thiết là hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đưa vào một chiến lược bù đắp cho năng lượng từ than”, ông Gabor Fluit nêu.
Phía EuroCham cũng khuyến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các quy định về chấp thuận khảo sát ngoài khơi, cũng như xem xét và phê duyệt đơn xin phép khảo sát ngoài khơi của các nhà phát triển để đáp ứng mục tiêu 7GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030.
Đồng thời, kiến nghị Bộ TN&MT và Bộ Công Thương công bố các khuôn khổ hỗ trợ để đẩy nhanh mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam theo một số dự thảo của Quy hoạch điện VIII.
Ông Nagaoka - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng về cấu trúc và an ninh năng lượng với Việt Nam, do đó các biện pháp được Nhật Bản áp dụng nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa carbon như công nghệ nhiệt điện không phát thải, công nghệ tiết kiệm năng lượng từ góc độ người tiêu dùng cũng như sản xuất và lưu trữ điện tại chỗ khá phù hợp với chính sách năng lượng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng hiệu quả ở Việt Nam bằng cách tăng cường đầu tư tư nhân và ứng dụng các công nghệ giảm phát thải, hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0.
JCCI cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, đặc biệt là tại các khu công nghiệp ở phía Bắc. Việc sớm ban hành Quy hoạch điện VIII sẽ đảm bảo nguồn lực đầu tư vào sản xuất điện phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
“Trong những năm gần đây, doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất năng lượng tái tạo ngày càng tăng. Tuy nhiên, do Quy hoạch điện VIII chưa được ban hành chính thức, hoạt động của các nhà máy điện tái tạo và những ngành công nghiệp có liên quan như sản xuất nhiên liệu sinh khối cũng bị ảnh hưởng rất lớn”, phía JCCI cho hay.
Cùng với đó, với việc phát triển điện mặt trời áp mái, JCCI mong sớm ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo. “Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ nới lỏng các điều kiện đối tượng tham gia theo cơ chế mua bán điện trực tiếp như hiện tay, bao gồm tiêu chí công suất lắp đặt tối thiểu 30 MW”, đại diện JCCI kiến nghị.
Giống như nhiều đơn vị khác, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII.
Trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất điện đối với môi trường. Bên cạnh đó, DPPA (Hợp đồng mua bán điện trực tiếp) là một cơ chế quan trọng để thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng xanh. Việc phê duyệt DPPA có thể mở ra nguồn tài chính khổng lồ từ khu vực tư nhân.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo ổn định nguồn năng lượng phát triển kinh tế là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
“Hiện Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng quốc gia, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói và cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ để trình lại Chính phủ xem xét thông qua với hai quy hoạch quan trọng này.
Các mục tiêu chính tại hai quy hoạch này, theo Thứ trưởng, là đảm bảo an ninh năng lượng và phải thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng một cách mạnh mẽ để nhằm đạt mục tiêu "net zero" vào năm 2050.
Về dự thảo Quy hoạch điện VIII, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công Thương đã có 8 tờ trình liên quan tới dự thảo gồm: Tờ trình 1682 ngày 26/3/2021; Tờ trình 6277 ngày 8/10/2021; Tờ trình 2279 ngày 29/4/2022; Tờ trình 4778 ngày 11/8/2022; Tờ trình 4967 ngày 18/8/2022; Tờ trình 5709 ngày 23/9/2022; Tờ trình 6328 ngày 13/10/2022; Tờ trình 7194 ngày 11/11/2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận