Doanh nghiệp EU muốn làm cảng Cái Mép Hạ gần 1 tỷ USD
Các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu (EU) mong muốn dự án Cái Mép Hạ sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã có buổi tiếp Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman, Đại sứ Bỉ Paul Jansen cùng các nhà đầu tư của Liên minh châu Âu đang có mong muốn đầu tư xây dựng dự án trung tâm logistics Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Dự án này trị giá 984 triệu USD, mục tiêu nhằm hướng tới phát triển Cái Mép Hạ trở thành trung tâm hàng đầu về dịch vụ vận tải, container và xuất khẩu nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long sang EU.
Tại buổi tiếp, các nhà đầu tư cho biết dự án có thể đón tàu container trọng tải lớn để đưa hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tham gia thúc đẩy các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, chở hàng hóa, nông sản từ Đồng bằng sông Cửu Long tới Cái Mép Hạ và đi ra thế giới.
Vì thế, các nhà đầu tư mong muốn dự án sớm được phê duyệt, đồng thời khẳng định cam kết nếu được lựa chọn, họ sẽ triển khai dự án đúng tiến độ, chất lượng, áp dụng các biện pháp “vận tải xanh” để phát triển bền vững. Trong bối cảnh Việt Nam và EU đang thúc đẩy giao thương khi EVFTA có hiệu lực thì hai bên đều cần những dự án như dự án này.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 1/2000, xác định vị trí dự án và sẵn sàng có đất sạch cho nhà đầu tư.
“Ai làm chậm, tôi sẽ phê bình”
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhất là EU, những doanh nghiệp có tiềm năng, có năng lực trình độ công nghệ cao đến kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam". Thủ tướng hoan nghênh quyết tâm của nhà đầu tư vào Cái Mép Hạ với tinh thần “giao thông xanh”, phát triển logistics để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU và toàn thế giới; đánh giá cao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Thủ tướng giao UBND Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của nhà đầu tư về dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề có liên quan.
“Ai làm chậm, tôi sẽ phê bình”, Thủ tướng lưu ý các bên trong thực hiện công việc.
Trước đó vào năm 2006, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đóng tàu và Dịch vụ dầu khí Vũng Tàu (VTSC) làm nhà đầu tư dự án này và đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án theo cam kết quy định là từ năm 2010-2013 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và từ 2013-2015 hoàn thành giai đoạn 2 để khai thác toàn bộ công trình.
Tuy nhiên, sau nhiều năm kể từ ngày được giao đất thực địa, VTSC chưa triển khai đầu tư xây dựng công trình trên khu đất thuê; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 865.000 m2. Trước thực trạng này, năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định thành lập đoàn thanh tra.
Sau đấy, Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp và thông báo kết luận với nội dung thống nhất chủ trương thu hồi dự án này, theo đó, năm 2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.
Được biết, trước các doanh nghiệp EU, dự án này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, trong đó, đã có nhà đầu tư đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm trong việc xây dựng và khai thác cảng như Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (thuộc Bộ Quốc phòng), Liên danh Công ty Geleximco và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Quốc tế ( ITC).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận