Doanh nghiệp đồ uống chịu tác động kép trong đại dịch
Trong khi nhiều ngành như thép, cảng biển, xuất khẩu… thu lãi lớn trong nửa đầu năm thì nhiều doanh nghiệp ngành đồ uống lại sụt giảm doanh thu, rơi vào thua lỗ nặng nề vì chịu tác động “kép”.
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành sản xuất đồ uống là ngành có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Cơ cấu dân số trẻ và tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao nhiều năm qua đã giúp ngành đồ uống giữ được mức tăng trưởng trung bình ở mức 5,8% trong giai đoạn từ 2016-2019.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành sản xuất này gặp nhiều khó khăn, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 và các chính sách phòng, chống tác hại rượu, bia.
Chia sẻ với báo chí, ông Dương Như Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hải Hà - Ninh Bình so sánh, nếu như trước năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp đồ uống rất cao thì do tác động của dịch bệnh và Nghị định 100, các nhà hàng, khách sạn, điểm bán phải nghỉ bán hàng nên doanh thu bán hàng 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 đã giảm 39%, lợi nhuận giảm trên 10%.
Cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh, các doanh nghiệp sản xuất sữa bị ảnh hưởng không nhỏ do thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng phòng chống dịch của các địa phương. Phản ánh của doanh nghiệp cho rằng, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng.
Các chuyên gia dự báo, ngành đồ uống khả năng sẽ còn gặp khó khăn hơn trong quý III khi TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Hiện nay, các doanh nghiệp ngành đồ uống cũng sẽ nhận được những gói hỗ trợ thuế từ Chính Phủ và Bộ Tài chính như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Gần đây nhất ngày 13/8, Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Trong đó, dự thảo quy định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh… Tổng gói chính sách hỗ trợ mới tiếp theo dự kiến là trên 20.000 tỷ đồng.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ sẽ giảm gánh nặng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, có sức phục hồi sau đại dịch là biện pháp cần làm, chấp nhận hụt thu trước mắt để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài dựa vào khả năng tồn tại, phát triển và phục hồi của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài, doanh nghiệp ngành đồ uống được dự báo còn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa. Ông Vũ Đức Nam, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, khó lường, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành đồ uống nửa cuối năm 2021 kém khả quan. Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Chính phủ đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp trong ngành đồ uống nói riêng.
Bên cạnh sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận