Doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng điều kiện phòng dịch như thế nào?
Kiểm tra thông tin tiêm chủng và triển khai mã QR là hai trọng điểm đảm bảo phòng dịch khi các doanh nghiệp dịch vụ mở cửa trở lại.
Những ngày qua, TP HCM cho phép nhiều ngành nghề hoạt động trở lại, với điều kiện phải đáp ứng bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Trong khâu kiểm soát nhân viên, đối tác và khách hàng, hai điểm trọng yếu là "thẻ xanh" Covid-19 và mã QR.
Ghi nhận thực tế cho thấy, nhân viên bảo vệ tại các siêu thị luôn túc trực từ cổng vào để kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách trên ứng dụng điện thoại hoặc giấy chứng nhận. Đây cũng là thủ tục tiên quyết để đón khách của nhiều siêu thị, cửa hàng và đơn vị kinh doanh khác tại TP HCM.
Chia sẻ với VnExpress, đại diện Central Retail - đơn vị chủ quản của hệ thống Go, Big C, Tops Market, cho biết chưa gặp trở ngại gì trong quá trình thực hiện bộ tiêu chí và kiểm soát khách hàng ra vào siêu thị. Giám đốc Truyền thông Nguyễn Thị Bích Vân khẳng định, các siêu thị trong hệ thống sẽ triệt để tuân thủ tiêu chuẩn mở cửa an toàn.
Hiện các hệ thống bán lẻ này chỉ chấp nhận những khách hàng có "thẻ xanh" Covid-19 (người tiêm ít nhất 1 mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi, cách 14 ngày sau khi tiêm; người đã khỏi Covid-19 hoặc xét nghiệm âm tính) theo chỉ đạo của UBND TP HCM.
Tương tự, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, ngân hàng đã nhanh chóng triển khai đồng bộ các tiêu chí phòng dịch tại tất cả trụ sở hoạt động và trở thành tiêu chuẩn đón tiếp khách hàng. Song lượng khách đến giao dịch đã tăng đột biến sau khi TP HCM nới lỏng giãn cách, nên để đảm bảo tuân thủ quy định và chất lượng dịch vụ, đòi hỏi sự nỗ lực điều phối cao hơn.
"Với khách hàng lớn tuổi, ít sử dụng công nghệ sẽ khó tiếp cận. Ngân hàng đã bố trí các nhân sự chuyên trách để hướng dẫn", ông Phát nói.
Hiểu rõ về bộ tiêu chí an toàn khi hoạt động, chuỗi trà sữa Gong Cha đã phổ cập đến mọi chi nhánh tại TP HCM. Ông Trần Ngọc Ẩn, đại diện thương hiệu này, cho rằng người dân thành phố hiện nay rất ý thức chấp hành và phối hợp với cửa hàng trong việc thực hiện các biện pháp 5K. Tỷ lệ phủ vaccine ở TP HCM cũng khá cao nên việc kiểm tra "thẻ xanh" không phải là vấn đề khó khăn.
"Mặt khác, để đi đến được cửa hàng, bản thân khách hàng cũng đã phải hội tụ đủ các điều kiện quy định cần thiết của cơ quan chức năng", ông Ẩn nói thêm.
Các doanh nghiệp đánh giá quy trình này đơn giản và nhanh chóng. Bà Nguyễn Bích Trâm, Giám đốc OLV, chuỗi thời trang nữ có 9 cửa hàng ở TP HCM, cho biết chỉ mất khoảng 30 giây để hoàn thành. Quy trình ngắn gọn rất thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh theo chuỗi. "Sử dụng mã QR có nhiều lợi ích cho khách hàng, giảm tải thời gian khai báo y tế giúp họ thoải mái hơn trong việc tới cửa hàng mua sắm", bà Trâm đánh giá.
Cùng quan điểm, ông Vũ Nhật Quang, founder của chuỗi cà phê Barxiu Coffee, cho rằng mã QR đơn vị giúp tạo sự yên tâm cho cả khách hàng lẫn nhân viên và doanh nghiệp, tạo điều kiện kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tuy nhiên theo đại diện Barxiu Coffee, vẫn sẽ có những trở ngại chưa lường trước. Chẳng hạn, chuỗi này phải tìm cách từ chối khách khéo léo khi họ không trình được mã QR hay phải giải quyết thế nào nếu mã QR quét bị trục trặc. Tương tự, chuỗi trà sữa Gong Cha cũng gặp một số trục trặc về mặt kỹ thuật hệ thống. Mặt khác, hiện nay khi quét các thông tin cá nhân và thông tin khai báo gần như phải điền lại từ đầu chứ không tích hợp sẵn. Điều này có thể gây phiền toái, mất thời gian cho khách hàng và đối tác. Thực tế, có nhiều khách hàng đã "bỏ cuộc", không mua sắm nữa.
Không chỉ hàng quán nhỏ lẻ, một số cửa hàng nằm trong chuỗi bán lẻ lớn cũng tuân thủ chưa nghiêm ngặt. Dù có mã QR, một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Duy Trinh (TP Thủ Đức) chọn cách in ra bảng giấy, đặt trên chiếc ghế nhỏ, nằm nép bên cạnh cửa ra vào. Cửa hàng có bốn nhân viên nhưng không ai túc trực để kiểm tra tình trạng tiêm chủng và nhắc nhở khách hàng quét mã. Khi được hỏi có cần quét mã QR mới được vào mua sắm không, một nhân viên đáp: "Tùy mình thôi ạ!".
Chị Thanh Thảo (Bình Thạnh) cho hay cả tuần qua chưa có cơ hội để xuất trình chứng nhận tiêm chủng. Cách ngày, chị lại ghé một cửa hàng thực phẩm lớn ở gần nhà để mua sắm. Nhân viên bảo vệ tại đây không kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách hàng. Phía trước lối vào có dán mã QR nhưng tùy khách hàng muốn khai báo thì tự quét, nhân viên không bắt buộc. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở một quán ăn vặt và cửa hàng mỹ phẩm gần nhà chị.
"Tôi thấy họ dán mã QR ngay cửa chỉ để đối phó thôi", chị Thảo nói.
Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19, cả nước có 2,3 triệu địa điểm đăng ký mã QR tính đến ngày 11/10, trong đó có 200.000 địa điểm hoạt động thường xuyên. Tổng cộng hơn 76,5 triệu lượt quét được ghi nhận và trung bình mỗi ngày người dân quét khoảng 500.000 lượt.
Theo đơn vị này, việc quét mã QR phát huy hiệu tốt trong công tác truy vết, dập dịch. Gần đây, khi phát hiện các ca F0 ở siêu thị Aeon Mall Hà Đông và chợ Đình (Hà Nội), chỉ sau vài phút, cơ quan chức năng đã xác định 379 người liên quan thông qua việc tra thông tin mã QR trên ứng dụng PC-Covid. Nhờ mã QR, Hà Nội phát hiện ra 5.500 người có liên quan đến chùm 21 ca bệnh tại Công ty Thực phẩm Thanh Nga trước đây.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội tin học TP HCM, đánh giá, việc triển khai công nghệ trong cấp mã QR nhìn chung mượt mà, đáp ứng yêu cầu quản lý và nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp. Quy trình trên đơn giản, dễ sử dụng, hiệu quả và hỗ trợ rất tốt việc truy vết khi cần thiết.
Nhưng do nhu cầu luôn biến động và phát triển nên theo ông Tuấn, trong quá trình sử dụng khi phát sinh nhu cầu thì đơn vị quản lý nên sớm cập nhật các tính năng mới, bổ sung công nghệ mới để đáp ứng các giao thức mới. "Trong quá trình thích ứng với dịch bệnh, việc hướng đến một ứng dụng duy nhất, tích hợp hết các nhu cầu và khả năng xử lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân", ông Vũ Anh Tuấn đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận