Doanh nghiệp dầu khí vẫn chưa thể thoát khỏi vũng bùn trong quý 2
Giá dầu thất thường khiến doanh nghiệp ngành dầu khí liên tiếp gặp khó trong 2 quý đầu năm 2020. Việc cách ly xã hội xuất hiện trong tháng 4 đã đánh tan hy vọng sớm hồi phục của lĩnh vực kinh doanh vàng đen.
Ngành dầu khí chứng kiến cú vấp chân lịch sử trong quý 1/2020, kết quả kinh doanh đi xuống rõ rệt, thậm chí có những doanh nghiệp còn phải báo lỗ tới hàng ngàn tỷ đồng như Petrolimex (PLX) hay Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR). Nguyên nhân đến từ việc giá dầu thế giới liên tục xuống thấp, trong khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thế cục kéo dài và bi đát hơn sang tháng 4. Giá dầu thô WTI giao tháng 5 có lúc ghi nhận âm gần 40 USD/thùng, kết hợp hoàn hảo với việc giãn cách toàn xã hội. Dù có hồi phục trong tháng 5 và tháng 6 tiếp theo, song ngành dầu khí vẫn không thể thoát khỏi đà suy yếu.
Theo thống kê của Vietstock, 23 doanh nghiệp dầu khí trong quý 2/2020 đã tạo ra 85,443 tỷ đồng doanh thu thuần và 1,191 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 38% và 78% so cùng kỳ. Có 4 đơn vị tăng trưởng lãi, 8 đơn vị sụt giảm lãi, 4 đơn vị chuyển lỗ thành lãi và 7 đơn vị thua lỗ.
Kết quả kinh doanh quý 2/2020 của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Đvt: Tỷ đồng
Tiếp tục chịu tác động kép
Thực tế ghi nhận 16/23 doanh nghiệp dầu khí có doanh thu sụt giảm so với quý 2/2019. Điều này là do nhu cầu tiêu thụ cùng xu hướng giá xăng dầu suy giảm. Trong khi đó, tất cả các khâu từ khai thác, dịch vụ hỗ trợ, phân phối sản phẩm… đều chịu tác động không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Đvt: USD/thùng
Tình hình cũng chẳng mấy khả quan đối với Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX). Hoạt động kinh doanh của PLX chiụ nhiều tác động về giá dầu cũng như cung cầu thị trường; sự sụt giảm nhu cầu trong giai đoạn giảm giá và sức ép nguồn cung trong giai đoạn tăng giá đối với thương nhân đầu mối đóng vai trò chủ đạo trên thị trường như PLX. Trong khi đó, kết quả các công ty con, công ty liên kết của PLX cũng mang sắc màu không tươi sáng (kinh doanh nhiên liệu hàng không thua lỗ, kinh doanh sản phẩm hóa dầu/gas lợi nhuận giảm 20-30%,…).
Theo đó, dù không trích lập dự phòng lớn như quý 1, lãi ròng quý 2/2020 của PLX vẫn giảm 43% so cùng kỳ, còn đạt 677 tỷ đồng.
Về phần Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT), đã phải thực hiện giảm giá tất cả các loại hình dịch vụ để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điều này dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của PVT sụt giảm 17% và 2% trong quý 2.
Việc có 2.4 giàn khoan thuê (cùng kỳ không có giàn khoan thuê) là động lực tăng trưởng 46% doanh thu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HOSE: PVD). Mặc dù đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng 9%, nhưng hiệu suất sử dụng lại thấp hơn (78% so với 90% trong quý 2/2019). Ngoài ra, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Công ty phải gia tăng chi phí hoạt động của các giàn khoan liên quan đến hoạt động tại nước ngoài (như chi phí nhận sự, chi phí đổi ca,…). Theo đó, PVD vẫn sụt giảm 46% lãi ròng so với quý 2 năm trước.
Xét về tỷ lệ sa sút lợi nhuận thì CTCP CNG Việt Nam (HOSE: CNG) và CTCP Vật tư Xăng Dầu (Comeco, HOSE: COM) dẫn đầu với 99% và 98%, chủ yếu do giảm 15% và 49% doanh thu trong quý 2.
7 doanh nghiệp thua lỗ
Nhóm thua lỗ kỳ này còn có PVC, TDG, PPY, PSH và nổi cộm nhất là BSR.
Việc thừa cung còn khiến các nhà máy lọc dầu trong khu vực và trên thế giới giảm giá bán nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho và gây sức ép cạnh tranh lớn với xăng dầu sản xuất trong nước. BSR ghi nhận doanh thu giảm 51% và lỗ ròng 1,894 tỷ đồng trong quý 2/2020, theo đó con số lỗ lũy kế từ đầu năm nâng lên mức 4,234 tỷ đồng.
Những tia sáng nhỏ
Số ít đơn vị tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2 gồm: POS, PVS, OIL và PGC. CTCP Dịch vụ lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng công trình Dầu khí Biển PTSC (UPCoM: POS) ghi nhận mức tăng 165% lãi ròng trong quý 2 nhờ tăng doanh thu gấp đôi cùng kỳ. Điều này chủ yếu do doanh thu vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, tháo dỡ công trình biển gấp 3 lần quý 2 năm trước.
Dù kết quả quý 2 tăng trưởng đến từ việc ghi nhận giảm chi phí quản lý và giảm khoản lỗ do đánh giá lại tài sản của Công ty TNHH Khảo sát Địa lý PTSC CGGV nhưng Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) cho thấy sự hồi phục sau quý đầu năm giảm lãi đến 70%.
Hay như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL, UPCoM: OIL) đã tiết giảm các khoản chi phí trong quý 2, giúp lãi ròng đạt 177 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ bất chấp việc doanh thu giảm tới 46%. Trước đó, OIL báo quý 1 lỗ 423 tỷ đồng.
Điểm thêm những nét màu sáng trong bức tranh kinh doanh quý 2 năm nay là 4 đơn vị chuyển lỗ thành lãi, gồm PXS, PCG, PVG và PVB. CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) có lãi trong quý 2 do vẫn duy trì thực hiện các dự án đã ký kết, mang lại hiệu quả sản xuất cao hơn cùng kỳ năm 2019 (thua lỗ 18 tỷ đồng).
Rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm vàng đen vẫn đang gặp vô vàn khó khăn. Những nút thắt tưởng chừng sắp được tháo ra thì rủi ro từ làn sóng dịch Covid thứ 2 lại đang nhen nhóm ập tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận