24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hải Vân
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Doanh nghiệp công nghệ viễn thông tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế số

Doanh nghiệp ngành công nghệ, viễn thông được cho là sẽ tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế số và Việt Nam đang tiên phong trong cuộc đua thương mại hóa mạng 5G.

Chuyên viên phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, ông Chu Đức Toàn nhận định, năm 2023, tốc độ tăng trưởng doanh thu của chuyển đổi số sẽ tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022 và có thể tăng 7,9% so với năm trước đó, con số này cao hơn gấp đôi doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông thông tin truyền thống, cho thấy những tiềm năng to lớn trên thị trường.

Giống như phần còn lại của thế giới, nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi số. Theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm 20% GDP vào năm 2025.

Chuyển đổi số là quá trình tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, để thay đổi về nền tảng công nghệ, văn hóa, vận hành và giá trị mang lại. Bốn công nghệ bao gồm: Điện toán đám mây, di động, mạng xã hội và dữ liệu lớn là nền tảng cho sự chuyển đổi số tại phần lớn các tổ chức trước đây.

Hiện nay, Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), Blockchain và Giao diện người dùng tự nhiên (ví dụ: in 3D, thực tế ảo, tương tác thực tế ảo...) đang thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số.

Việt Nam đã phát động Chương trình “Make in Vietnam 4.0” để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Chương trình này sẽ tạo điều kiện phát triển các ngành công nghiệp mới và khuyến khích các chính sách, tư duy và công nghệ mới theo Công nghiệp 4.0 và tham vọng hướng tới kinh tế số.

Trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển mạnh, Chính phủ, các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam đã tích cực đón nhận và tham gia các hoạt động để bắt kịp xu hướng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0.

Chính phủ đang thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số thông qua một loạt cơ chế chính sách và các chính sách này gần đây đã được củng cố bởi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiếp cận mạnh mẽ với Công nghiệp 4.0.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 của Google, Temasek và Bain, đến năm 2025, nền kinh tế số của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt giá trị 52 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép là 24% và đứng thứ ba tại Đông Nam Á.

Mạng 5G mở ra kỷ nguyên mới cho hàng loạt công nghệ Việt Nam cũng nằm trong số những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới. Theo Theo số liệu của tổ chức Internet World Stats (Thống kê Internet thế giới), số lượng thuê bao internet đã tăng 343 lần từ năm 2000 đến năm 2021. Tiềm năng tăng trưởng cho Internet băng rộng cố định tại Việt Nam còn lớn khi tỷ lệ bao phủ hiện đạt khoảng 21 thuê bao/100 người dân, khá thấp so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á là 38 thuê bao/100 người dân.

Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại trên nền tảng công nghệ 5G. Số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt 6,3 triệu vào năm 2025, theo nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco.

Hơn nữa, việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD mỗi năm, bắt đầu từ năm 2025. Việt Nam có thể sớm trở thành một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra mắt mạng 5G với các công ty viễn thông trong nước chạy đua để phát triển mạng lưới quốc gia đầu tiên gồm Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT Vinaphone, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone). Với sự ra đời của công nghệ 5G mang tính đột phá, các hãng công nghệ đứng trước nhiều cơ hội phát triển các ứng dụng hiện đại nhằm đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ của mình.

Xu hướng số hóa của Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện gia tăng nhu cầu về trung tâm dữ liệu trên cả nước. Hơn nữa, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được thúc đẩy bởi việc chuyển dữ liệu doanh nghiệp sang nền tảng đám mây.

Điều này đã dẫn đến sự gia tăng trong việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu, do đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường. Ngoài ra, việc áp dụng ngày càng nhiều các giải pháp dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (IoT) và các giải pháp công nghệ dựa trên đám mây (cloud) cùng với các giải pháp khác, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường đến năm 2026.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Research and Markets của Mỹ, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng kép trên 14,6% cho đến năm 2026. Với sự ổn định về chính trị và xã hội, ít thiên tai như động đất, Việt Nam có những đặc điểm cần thiết để trở thành một thị trường trung tâm dữ liệu lớn trong khu vực.

Theo Cushman & Wakefield - một trong những công ty dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu đặt tại các thành phố lớn với quy mô khác nhau, chất lượng đạt tiêu chuẩn. Quy mô thị trường tổng thể ước tính là 45MW, với một số nhà khai thác và nhà phát triển mới đang tìm cách bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường trong ngắn và trung hạn. Trong số này, khoảng 80% trung tâm dữ liệu được vận hành bởi các công ty viễn thông địa phương.

Một số công ty lớn đang hoạt động trên thị trường là VNPT IDC, Viettel IDC, FPT Telecom. Một số tên tuổi khác bao gồm: CMC Telecom, KDDI Corporation, Hitachi Asia (Việt Nam), Hewlett Packard Enterprise, SAP Việt Nam, IBM Việt Nam, Microsoft Việt Nam và Amazon Web Services Việt Nam.

Dưới sức hút của lĩnh vực công nghệ, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) cũng được đẩy mạnh. Những năm gần đây, tại Việt Nam, thị trường M&A trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt tại các doanh nghiệp sở hữu hoặc đầu tư công nghệ tiên tiến, có cơ sở dữ liệu khách hàng lớn. Đáng chú ý như việc Tập đoàn FPT mua lại nền tảng Base.vn, Softbank Vision Fund và GIC Fund đầu tư 300 triệu USD vào VNPay...

Bất chấp sự bất ổn lan rộng và nền kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ rủi ro cao, các hoạt động M&A công nghệ vẫn tiếp tục, được thúc đẩy bởi dòng vốn tư nhân đặc biệt mạnh mẽ. Mặc dù các điều kiện trên thị trường vốn đã được thắt chặt, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn có một lượng tiền mặt lớn sẵn sàng giải ngân trong thời gian tới.

Trong số các công ty công nghệ niêm yết tại Việt Nam, Công ty cổ phần FPT (FPT) là doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào, đã tích cực thực hiện nhiều thương vụ M&A trong hai năm qua.

Tiền mặt của FPT vào cuối quý III/2022 là khoảng 24.126 tỷ đồng, chiếm 43,8% tổng tài sản của công ty. Nhờ nguồn tiền mặt dồi dào, FPT đã tích cực tham gia thị trường M&A trong hai năm qua.

Cụ thể, giữa năm 2021, FPT đã mua lại Base.vn - công ty công nghệ sở hữu nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam - nhằm thúc đẩy hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc.

Tháng 10/2022, FPT cũng công bố khoản đầu tư vào nhà cung cấp dịch vụ tư vấn doanh nghiệp Nhật Bản LTS Inc., trở thành cổ đông chiến lược của công ty này. Khoản đầu tư này nhằm giúp FPT tăng cường năng lực trong ngành tư vấn công nghệ của Nhật Bản và hướng tới các thương vụ trên chục triệu USD.

Về kết quả kinh doanh, FPT lãi ròng hơn 4.500 tỷ đồng sau 10 tháng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Một doanh nghiệp công nghệ Top đầu nữa là Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC (mã chứng khoán: CMG) cũng vừa công bố kết quả 6 tháng đầu năm tài chính 2022 tính đến ngày 30/9/2022) tăng trưởng ấn tượng với doanh thu thuần đạt 3.887 tỷ đồng, vượt 35 % so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 256 tỷ đồng, tăng trưởng 29 % so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 147% kế hoạch 6 tháng đầu năm tài chính.

Ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành CMC cho biết, trong 6 tháng đầu năm tài chính 2022, các lĩnh vực kinh doanh của CMC đều có những bước tiến vững chắc mặc dù thị trường trong nước hết sức khó khăn. Doanh nghiệp vẫn đạt được tăng trưởng cao, nhiều sản phẩm dịch vụ số dẫn đầu thị trường, được khách hàng trong nước, quốc tế đánh giá cao và được vinh danh các giải thưởng danh giá. Đến nay, CMC có trên 5.400 nhân sự chất lượng cao và số lượng nhân sự vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Với doanh nghiệp viễn thông, hiện tại chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh quý III và 3 quý đầu năm có thể thấy được sự tăng trưởng vượt bậc của doanh nghiệp ngành này.

Đơn cử, Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (mã chứng khoán: CTR) - công ty con của Tập đoàn Viettel có doanh thu quý III/2022 đạt 2.611,8 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ; lãi trước thuế tăng 36% lên mức 160,6 tỷ đồng.

Trong 3 quý năm 2022, tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel có doanh thu đạt 6.838,3 tỷ đồng, tăng trưởng 24,9% so với cùng kỳ 2021; lãi trước thuế 400,6 tỷ đồng, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, doanh nghiệp đã thực hiện được 79,6% chỉ tiêu doanh thu và 77,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dù có kết quả kinh doanh tích cực, cùng với triển vọng tươi sáng trong tương lai, nhưng do thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh nên các cổ phiếu ngành công nghệ và viễn thông cũng giảm rất mạnh. Cụ thể, chốt phiên 2/12, FPT có giá 77.400 đồng/cổ phiếu, giảm 17,2% so với chốt phiên giao dịch đầu năm (4/1). CMG có giá 42.000 đồng/cổ phiếu, giảm 31%, CTR có giá 51.900 đồng/cổ phiếu, giảm 40,7%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả