Doanh nghiệp cao su tiếp tục sống nhờ bán tài sản
Các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đều đã công bố BCTC quý 2/2020 với những con số thể hiện xu hướng đã diễn ra suốt những năm qua: Thu nhập từ bán tài sản là nguồn đóng góp lợi nhuận chủ đạo.
Điều này được thấy rõ tại các doanh nghiệp đầu ngành như Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR), Cao su Tây Ninh (HOSE: TRC) và Cao su Tân Biên (HOSE: RTB).
Khoản lãi lớn của PHR là nhờ 300 tỷ đồng tiền bồi thường từ việc giao đất tại Bình Dương để phía Nam Tân Uyên (HOSE: NTC) thực hiện dự án khu công nghiệp mở rộng. Bên cạnh nguồn thu ngắn hạn từ việc chuyển nhượng đất cho đơn vị khác, PHR cũng là cái tên tiềm năng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, giữa bối cảnh Việt Nam đang trên đường trở thành một công xưởng mới tại châu Á. Sức hấp dẫn của một công ty sở hữu hàng ngàn ha đất có giá vốn thấp, vị trí thuận lợi tại trung tâm công nghiệp Bình Dương, đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có quỹ đầu tư tỷ đô như VinaCapital.
Với TRC, lợi nhuận từ thanh lý vườn cây chiếm đến 80% lợi nhuận trước thuế quý 2. Trong khi đó, doanh nghiệp khác là RTB chịu lỗ thuần từ hoạt động cốt lõi 16 tỷ đồng nhưng được bù đắp nhờ nguồn thu nhập thanh lý cây cao su 76 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh doanh nghiệp cao su trong quý 2/2020
Đvt: Tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu 2020, xuất khẩu cao su cả nước ước đạt 456 ngàn tấn, trị giá 606 triệu USD, giảm 25.7% về lượng và 27.9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp cao su còn lại ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm khi dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ.
Trước cả khi đại dịch Covid-19 ập đến, sự khó khăn của mảng kinh doanh cao su đã diễn ra những năm qua khi giá bán của hàng hóa từng được mệnh danh “vàng trắng” duy trì ở mức thấp, và dự báo chưa có chuyển biến tích cực rõ nét trong tương lai gần. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) - công ty mẹ của nhiều doanh nghiệp cao su niêm yết - dự kiến không mở rộng quy mô vườn cây trong những năm tới bởi hiệu quả kinh tế của lĩnh vực này hiện quá thấp.
Biên lãi gộp của các nhà khai thác cao su thiên nhiên ngày càng đi xuống lại phải nhận đòn giáng từ Covid-19.
Biên lãi gộp doanh nghiệp cao su co mạnh trong quý 2/2020
- DRI, TNC, IRC kinh doanh dưới giá vốn
- GVR và PHR có biên lợi nhuận cải thiện nhờ mảng kinh doanh liên quan đến bất động sản hạ tầng khu công nghiệp
Với những gì diễn ra trong nửa đầu năm, khả năng hoàn thành kế hoạch của doanh nghiệp cao su gặp phải chướng ngại lớn.
Tại một hội thảo trong khuôn khổ các sự kiện trước thềm Hội nghị Cao su toàn cầu (GRC) 2020, các chuyên gia đều nhận định nhu cầu yếu dẫn đến giá cao su thế giới giảm và mức tồn kho cao càng gia tăng áp lực lên giá. Đến nay, chưa có dấu hiệu tích cực rằng giá cao su sẽ trở lại bình thường hoặc có xu hướng tăng. Triển vọng ngành cao su năm 2020 cũng phụ thuộc lớn vào mức độ hiệu quả kiểm soát dịch Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế của các quốc gia trên thế giới.
Doanh nghiệp săm lốp báo kết quả kinh doanh trái chiều
Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC) cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến doanh thu tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến sụt giảm lợi nhuận trong quý 2.
Rơi vào tình cảnh tương tự nhưng Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) vẫn có lợi nhuận tăng trưởng, nhờ giá vật tư đầu vào và các chi phí sản xuất giảm xuống.
Trong khi đó, Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina, HOSE: CSM) báo cáo doanh thu quý 2 tăng 21% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, sự tăng trưởng này đến từ thị trường xuất khẩu giữa lúc tình hình thương mại thế giới chịu tác động của Covid-19.
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp săm lốp quý 2/2020
Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận