Doanh nghiệp cá tra “được mùa” lợi nhuận
Thuận lợi từ thị trường và giá xuất khẩu, doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp cá tra tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Trong quý đầu năm, các doanh nghiệp cá tra đều thắng lớn tại hầu hết các thị trường chính như, châu Âu, Asean, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 3, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 472,2 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những doanh nghiệp như, Vĩnh Hoàn, Nam Việt, Cửu Long An Giang…đều có mức tăng cao dù xuất khẩu vào các thị trường khác nhau.
Thị trường Mĩ
3 tháng đầu năm, doanh số bán vào thị trường Mỹ giảm 5% khi các nhà nhập khẩu Mỹ ưu tiên nhập hàng thủy sản Trung Quốc vì lo ngại thuế quan trong chiến tranh thương mại. Hiện Mỹ đã có kế hoạch tăng thuế lên 25% với hàng thủy sản Trung Quốc đang là một lợi thế cho thủy sản Việt Nam. Cũng phải nói thêm, thuế POR14 dù vẫn ở mức cao nhưng đã giảm nhiều so với năm trước đó.
Tình hình kinh doanh của VHC trong quý I/2019 cũng là ấn tượng. Lợi nhuận sau thuế hơn 307 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, năm nay cá tra có mức giá bán cao hơn so với cùng kỳ. Trong chiến lược kinh doanh 2019, công ty này sẽ mở rộng nhiều hoạt động kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Trước đó, Vĩnh Hoàn đã lập kỷ lục lợi nhuận với con số lên đến 1.442 tỉ đồng trong năm 2018.
Thị trường Asean
Thuế đối với sản phẩm cá tra phile đông lạnh đang ở mức 0% theo ASEAN (ATIGA); ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).
Tại thị trường Asean, Công ty Cổ phần Nam Việt đang có lợi thế với mức tăng trưởng 24%. Đây cũng là một 2 thị trường chính của Công ty này. Nam Việt từng được ví là xác sống khi tình hình kinh doanh liên tục thua lỗ vào mấy năm trước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Nam Việt đã phát triển vượt bậc nhờ nhanh chóng thoái vốn ngoài ngành.
Lợi nhuận quý I vừa qua của Nam Việt là hơn 200 tỉ đồng, tăng 136% nhờ vào tăng trưởng từ các thị trường hiện hữu và chi phí nguyên liệu đầu vào thấp.
Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp công ty cải thiện mạnh từ mức 17% trong quý I/2018 lên 30,5% trong quý I/2019. Biên lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 9,3% lên 22%.
Cũng phải nói thêm, đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của Nam Việt còn đến từ thị trường châu Âu với mức tăng trưởng 90%.
Cũng có lợi thế vào châu Âu, Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre cũng có biên lợi nhuận gộp tăng 20% trong 3 tháng đầu năm nay. Thủy sản Bến Tre không xuất cá tra sang Mỹ mà chỉ tập trung tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu vì đây là những thị trường bền vững và có biên độ lợi nhuận tốt hơn.
Nhìn chung, doanh thu vào thị trường châu Âu đã tăng trưởng mạnh ở mực 76% trong quý I do nhu cầu thủy sản thì thị trường này tăng nhiều hơn và ảnh hưởng từ Brexit. Sắp tới, thuế thủy sản vào thị trường châu Âu sẽ được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm sẽ là điều kiện để các công ty thủy sản tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Thị trường Trung Quốc – Hong Kong
Thị trường này lần đầu tiên sụt giảm 2% trong quý I, phần nhiều do mức giảm 13% trong tháng 3. Đây là thị trường còn khó xác định khó khăn hay thuận lợi trong thời gian tới vì cuộc đàm phàn chiến tranh thương mại chưa chấm dứt. Cộng thêm việc Trung Quốc đang tự chủ động nguồn nuôi cá tra.
Vĩnh Hoàn đang là nhà cung cấp đứng thứ 3 tại Trung Quốc với thị phần 9%, tập trung ở phân khúc cao cấp.
Ngoài thị trường cũ như Nam Mỹ, Trung Đông,… gần đây Thủy sản Cửu Long An Giang đang thâm nhập sâu vào thị trường châu Á, trong đó doanh số tại Trung Quốc tăng 27% năm 2018. Từ năm ngoái đến nay, doanh thu và lợi nhuận của Thủy sản Cửu Long An Giang liên tục tăng cao. Cụ thể, quý I/2019, doanh thu của công ty tăng 34% lên 445 tỉ đồng. LNST đạt hơn 54 tỉ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ năm 2018.
Nhiều doanh nghiệp cá tra quy mô nhỏ hơn cũng có mức tăng trưởng 20-24% trong 3 tháng đầu năm nay. Đây là một tín hiệu vui cho cá tra trong những ngày đầu năm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận