Doanh nghiệp BĐS phải hoạt động theo tôn chỉ “có bệnh phải chữa”
Theo TS. Cấn Văn Lực, trước bối cảnh thị trường khó đủ đường, doanh nghiệp bất động sản cần mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp để trụ vững qua nghịch cảnh.
Chiều 10/10, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường BĐS phát triển” để các chuyên gia có không gian trao đổi, đưa ra các giải pháp thực tế nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi, phát triển bền vững thị trường BĐS, qua đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế nói chung.
Thị trường BĐS khó, đang có Chính phủ lo
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch VNREA cho rằng, trong gần hai năm qua, thị trường BĐS đã xuất hiện những nút thắt lớn khiến doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị suy giảm mạnh.
Đặc biệt, từ nửa cuối năm 2022, các doanh nghiệp BĐS rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi dự án bị đình trệ, dòng tiền bị tắc nghẽn và áp lực trả nợ đè nặng.
Đặc biệt, tình trạng đình trệ của thị trường BĐS thời gian vừa qua chịu sự tác động lớn nhất bởi những vấn đề pháp lý - chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các dự án. Dẫn thông tin từ Bộ Xây dựng, ông Khôi cho biết chỉ riêng tại Hà Nội và Tp.HCM ước tính có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục triển khai, những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
“Thực tiễn một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, tâm lý né tránh không muốn làm, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất, chưa đồng bộ”, Chủ tịch VNREA nói.
Tuy nhiên bên cạnh những vấn đề còn tồn đọng, TS. Nguyễn Văn Khôi vẫn nhìn nhận rõ, Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất tích cực ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp đến lĩnh vực BĐS trong suốt thời gian qua.
“Chúng tôi tin rằng các chính sách này có thể tháo gỡ được nhiều nút thắt của thị trường BĐS, tuy nhiên cần có những giải pháp đồng bộ hơn bao gồm quy trình pháp lý, tiếp cận nguồn vốn để tạo thanh khoản và nguồn cung sản phẩm, cần được bàn luận, kiến giải từ các chuyên gia và các thành viên thị trường”, ông Khôi chia sẻ.
Ghi nhận nỗ lực của Nhà nước thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, chính sách của các cơ quan có quyền hạn đang tác động đến thị trường theo hướng tích cực và chặt chẽ.
Trong đó, chính sách tiền tệ chuyển từ chặt chẽ, chắc chắn sang nới lỏng, linh hoạt, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp trong việc giãn/hoãn nợ. Chính sách tài khoá đã được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, theo sát những biến động của thị trường BĐS.
Cuối cùng, các bộ luật liên quan trực tiếp đến BĐS như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS,… đang được các cơ quan có thẩm quyền tích cực hoàn thiện để trình Quốc hội.
“Chưa từng có việc 3 luật này sửa cùng một lúc, cũng chưa từng có việc các luật khác liên quan cùng sửa một lúc với 3 luật này. Do đó, chúng ta phải thật sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ trong việc giải cứu BĐS suốt thời gian qua cũng như trong thời gian sắp tới”, ông Lực nhấn mạnh.
Cần sửa "đúng và trúng" nhiều vấn đề còn tồn đọng
Nói về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và tài chính cho thị trường BĐS hiện nay, ông Lực phân tích có 6 yếu tố chính tác động tới BĐS: kinh tế vĩ mô (lạm phát, lãi suất, tỷ giá, cung tiền, đầu tư…); môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát BĐS; quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính (nguồn vốn, thuế và phí, thị trường sơ cấp và thứ cấp giao dịch BĐS); cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch.
Theo vị chuyên gia nhận xét pháp lý chính là rào cản, khó khăn lớn nhất đối với bất động sản. Nhận định này xuất phát từ một số nguyên nhân như quy định pháp lý của lĩnh vực đất đai, xây dựng và BĐS hết sức phức tạp liên quan đến hơn 100 Luật, Nghị định, Thông tư... trong đó có nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ.
Tiếp đến quy định pháp lý chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn. Cuối cùng là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy… đã làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.
Đề xuất một số giải pháp, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan. Nhưng dù làm nhanh vẫn cần rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật, giải bài toán pháp lý cho BĐS.
Để nguồn vốn quay trở lại vào BĐS, vị chuyên gia chia sẻ nên sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường BĐS.
Ở phía doanh nghiệp, ông Lực nêu quan điểm trước bối cảnh khó khăn và khó lường hiện nay, doanh nghiệp BĐS phải hoạt động theo tôn chỉ “có bệnh phải chữa”.
Cụ thể, doanh nghiệp cần quyết liệt trong công tác cơ cấu lại các khoản đầu tư cũng như hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Trước bối cảnh thị trường khó đủ đường, doanh nghiệp bất động sản cần hạn chế đầu tư dàn trải và mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp để vượt qua nghịch cảnh.
Bên cạnh đó, dần dần hướng tới đa dạng hoá nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, tham khảo thêm các kênh trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính,…) và huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, quan tâm đến qảun lý rủi ro.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp hơn về hồ sơ thuế, tín dụng, thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư để củng cố niềm tin.
Đặc biệt, ông Lực lưu ý hiện nay nhiều doanh nghiệp đã có động thái nêu ý kiến, quan điểm với Nhà nước, qua đó đề xuất nhiều giải pháp gỡ khó cho thị trường BĐS - đây là một hành động vô cùng tích cực.
Tuy nhiên vị chuyên gia nhận xét, nhiều doanh nghiệp còn đang "lún sâu" vào việc kể lể về tình trạng của doanh nghiệp mà không đi vào trọng tâm vấn đề, do đó ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần có sự khôn khéo hơn, “kiến nghị trúng và đúng” vấn đề đối với các cơ quan thẩm quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận