Đô la lên giá khi đại dịch Covid-19 đẩy nhu cầu tiền mặt toàn cầu tăng
Đồng đô la đã tăng giá so với các loại tiền tệ lớn trong phiên đầu tuần này, khi các thị trường cổ phiếu toàn cầu sụt giảm và lo ngại thanh khoản thấp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ngày càng tồi tệ, những yếu tố đã đẩy nhanh sự dịch chuyển tài
Đồng đô la đã tăng so với bảng Anh, lên mức mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 1985. Đồng tiền Mỹ cũng đã đạt mức giá cao nhất so với euro trong gần 3 năm trở lại đây.
Đồng tiền Mỹ đạt mức cao nhất 11 năm so với đô la New Zealand khi quốc gia này công bố chuẩn bị tiến hành khóa cửa biên giới trong 48 giờ tới để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bạc xanh cũng tăng lên mức cao nhất trong 17 năm so với đô la Úc.
Các hợp đồng tương lai với chứng khoán Mỹ và giá dầu chịu áp lực cao hơn trong giao dịch tại thị trường châu Á, điều này đã đẩy giá đồng đô la lên cao hơn khi nhiều người bị cách ly trong một nỗ lực của các quốc gia để ngăn chặn sự lây lan của virus, các thương nhân cho biết.
Các nhà đầu tư cũng đặt hy vọng vào việc chi tiêu tài khóa lớn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng vẫn cho rằng sự không chắc chắn về mức độ lây lan của virus có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng đô la tăng giá trong tương lai.
"Chúng ta đang chuyển từ chiến lược đầu tư với khẩu vị rủi ro thấp sang giai đoạn mà các đối thủ lớn cạnh tranh với nhau để duy trì sự an toàn bằng việc nắm giữ đô la tiền mặt," Yukio Ishizuki, chiến lược gia ngoại hối tại Daiwa Securities, Tokyo, nói.
"Vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư muốn bán tài sản rủi ro cao, và họ muốn giữ tiền của mình bằng đô la."
Đồng đô la tăng 0,45% so với bảng Anh (GBP), lên 1,1671 USD/GBP, tiệm cận mức mạnh nhất kể từ ít nhất là năm 1985.
Đồng đô la đã có lúc tăng so với euro (EUR), lên mức mạnh nhất kể từ tháng 4/2017, nhưng sau đó giảm mức tăng và giao dịch quanh mức 1,0707 USD/EUR.
Bạc xanh cũng đã ở mức cao của nhiều năm so với đô la Úc (AUD) và đô la New Zealand (NZD) vì tổn thất kinh tế của sự tự cách ly đã gây ra sự sụt giảm lớn nhất trong ngày của cổ phiếu New Zealand.
So với đồng yên (JPY), tiền Mỹ có lúc tăng lúc giảm, với mức giá trong giao dịch gần nhất giảm 0,5% trong phiên và hiện ở mức 110,27 JPY/USD.
Các nhà đầu tư đã bán ra các tài sản là nơi trú ẩn an toàn và cả tài sản có rủi ro khác để giữ tiền của họ bằng đô la, do sự không chắc chắn về triển vọng tương lai gây ra bởi dịch bệnh.
Các ngân hàng trung ương lớn đã tăng cường nỗ lực để giảm bớt khủng hoảng nguồn vốn bằng đồng đô la trên toàn cầu, nhưng đồng tiền Mỹ vẫn có nhu cầu cao.
Các nhà đầu tư phải trả cao hơn 71 điểm cơ bản so với lãi suất liên ngân hàng để đổi đồng yên trong hợp đồng hoán đổi 3 tháng thành đô la, tỷ giá hoán đổi cơ sở tiền tệ chéo cho biết vào thứ Hai. Đây là mức phí thấp hơn 139 điểm cơ bản tại ngày 19/3, nhưng tỷ giá hoán đổi vẫn trên mức trung bình.
Giá đô la cũng đã tăng mạnh so với nhiều loại tiền tệ của thị trường mới nổi, cho thấy lo ngại trước các rủi ro có thể xảy ra ngày càng tăng trên toàn cầu.
Trong giao dịch tại thị trường châu Á, đồng đô la đã tăng lên mức cao kỷ lục so với đồng peso của Mexico (MXN) và cao nhất kể từ tháng 12/2018 so với đồng baht của Thái Lan (THB).
So với đầu năm, hiện đồng đô la đã tăng 26% so với đồng real Brazil (BRL), tăng khoảng 11% so với đồng won Hàn Quốc (KRW) và tăng 19% so với đồng rupiah của Indonesia (IDR).
Sự không chắc chắn về chính sách kích thích kinh tế của chính phủ Mỹ cũng làm tăng thêm tâm lý căng thẳng ở Châu Á.
Các cuộc chiến đảng phái tại Thượng viện Mỹ đã ngăn dự luật về ứng phó với virus corona trị giá hơn 1 nghìn tỷ đô la được thông qua vào ngày Chủ nhật, nhưng các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục trước yêu cầu có thêm kinh phí cho các nỗ lực y tế để chống lại đại dịch của đảng Dân chủ.
Dự luật này là nỗ lực thứ ba của Quốc hội Mỹ nhằm giảm bớt ảnh hưởng kinh tế của dịch - căn bệnh đã giết chết ít nhất 420 người ở Mỹ và làm hơn 33.000 người mắc bệnh.
Gần một phần ba người Mỹ được lệnh ở nhà vào Chủ nhật để làm chậm lại đà lây lan của căn bệnh, trong khi Ý cấm đi du lịch nội địa vì số ca chết tại đây đã lên tới 5.476 người.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê duyệt các đề xuất giải pháp giảm tốc độ lây lan dịch bệnh của New York và Washington, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis, James Bullard, cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp có thể lên tới 30% trừ khi các biện pháp ứng phó được thực hiện nhiều hơn.
Các thị trường toàn cầu đã xuống đáy trong những tuần gần đây, khi virus corona lây lan nhanh chóng và các chính phủ đã phản ứng bằng hạn chế đi lại, tụ tập nghiêm ngặt, làm gián đoạn hoạt động của các doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng ở nhà và kiềm chế chi tiêu.
Virus hiện đã được báo cáo có ở hơn 100 quốc gia và đã cướp đi hơn 13.000 sinh mạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận