Điều tra bán phá giá hóa chất Sorbitol từ Trung Quốc; ô tô nhập tăng 35%; hàng Việt "rủ nhau" vào EU
Hàng Việt Nam tăng tốc vào EU, sẽ điều tra bán phá giá hóa chất Sorbitol… là những tin chính trong bản tin xuất nhập khẩu ngày 29/9-2/10.
Tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng năm 2020
Ngày 1/10, Tổng cục Hải Quan cho biết, tháng 9/2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 51,5 tỷ USD, tăng 2,1% so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, giảm 0,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 24 tỷ USD, tăng 5,6%. So với cùng kỳ năm 2019, trị giá xuất khẩu của cả nước tăng 18% và trị giá nhập khẩu tăng 11,6%.
Với diễn biến trên, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 9/2020 ước tính thặng dư 3,5 tỷ USD.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 388,73 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 185,87 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư 16,99 tỷ USD. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu:
9 tháng đầu năm 2020, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính đạt 4.089 nghìn tấn và trị giá là 1.363 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2019, lượng dầu thô xuất khẩu ước tính trong 9 tháng tăng 40,9% về lượng và trị giá ước tính giảm 8,6%.
9 tháng đầu năm 2020, lượng quặng xuất khẩu là 2.399 nghìn tấn, trị giá là 181 triệu USD; so với cùng kỳ năm 2019 ước tính tăng 3,6% về lượng và trị giá ước tính tăng 4,6%.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu:
Lượng dầu thô nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 9.045 nghìn tấn và trị giá 2.970 triệu USD. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 9 tháng năm 2020 ước tính tăng 42,7% về lượng và giảm 1,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Lượng xăng dầu nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 6.395 nghìn tấn và trị giá là 2.534 triệu USD. Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu trong 9 tháng năm 2020 ước tính giảm 9,8% về lượng và giảm 41,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Đã cấp 15.000 bộ C/O sang EU với kim ngạch 700 triệu USD
Theo thông tin từ Bộ Công Thương ngày 1/10, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước.
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 xuất khẩu sang EU chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...
Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh. Trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi. Điều này cho thấy, mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam.
Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm. Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tới 14,4% so với cùng kỳ.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau 2 tháng EVFTA được thực thi. Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7; kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó xuất khẩu tôm tháng 8/2020 tăng 15,7% so với cùng kỳ (đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nay).
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, nhiều mặt hàng khác như điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị phụ tùng, dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, cà phê… cũng đang được nhận định kỳ vọng lớn trong việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này thời gian tới.
Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá với mặt hàng hóa chất Sorbitol
Ngày 30/9, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã có thông báo tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ về việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng hóa chất Sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Trước đó, ngày 18/8, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) đã tiếp nhận hồ sơ của công ty là đại diện ngành sản xuất trong nước (Bên yêu cầu), yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng hóa chất Sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
Ngày 3/9, Cơ quan điều tra có công văn số 695/PVTM-P1 về việc đề nghị bổ sung hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm hóa chất Sorbitol. Ngày 14/9, Bên yêu cầu đã gửi thông tin bổ sung theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Theo đó, ngày 29/9, Cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật phòng vệ thương mại.
Cục Phòng vệ thương mại - cho biết, trong thời hạn 45 ngày tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc.
Thời hạn cung cấp các thông tin trước 17h ngày 16/10 tới, gửi về Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận