Điều hành xăng dầu: Mệnh lệnh hành chính không thể bền vững
Đại diện VCCI cho rằng, trong vấn đề điều hành xăng dầu thì mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương chủ trì, xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi quy định nhằm xử lý những bất ổn trên thị trường thời gian qua, để thực hiện mục tiêu bảo đảm nguồn cung, an ninh năng lượng quốc gia.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: công thức giá, phương thức điều hành giá xăng dầu, thời gian điều hành/công bố giá, mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xăng dầu…
Việc sửa đổi hai Nghị định này nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp xăng dầu. Gần đây nhất, đã có gần 9.000 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” đến Thủ tướng liên quan đến bình ổn thị trường.
Đơn kiến nghị cho rằng quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 và Nghị định 95, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn… gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Trong bối cảnh này, sáng 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo góp ý về sửa đổi bổ sung Nghị định 95 và 83, với sự góp mặt của hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ, thương nhân phân phối xăng dầu tham gia.
Cần nhất quán quan điểm sửa đổi Nghị định
Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nói rằng, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và 83 của Bộ Công Thương lần này là “rất rõ ràng, rất thẳng thắn và không ngại va chạm”.
Đại diện VCCI cho rằng, Nghị định kinh doanh xăng dầu sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tác động gián tiếp đến doanh nghiệp đang sử dụng nguồn cung xăng dầu và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Do đó, VCCI đã hợp tác với Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ trong góp ý xây dựng dự thảo lần này.
"Chúng tôi cho rằng, về quan điểm trong việc soạn thảo dự thảo Nghị định lần này, cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng khi mà đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân", ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng mệnh lệnh thị trường. Nên ở góc độ nào đó, cần phải trao thị trường xăng dầu về cho thị trường để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và 83 lần này, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ.
Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng
Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, là đầu vào quan trọng của nền kinh tế, đầu vào cho mục tiêu kiểm soát CPI. Đây cũng là lý do mặt hàng xăng dầu luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan điều hành luôn phải đảm bảo mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu phải góp phần kiểm soát CPI. “Câu chuyện quản lý luôn đặt ra bài toán cạnh tranh và thị trường”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 đã mất 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài.
Và hiện nay, tất cả những vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi Nghị định 83 và 95 đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận từ quá trình sửa đổi Nghị định 83 trước đây. Ví dụ như vấn đề Quỹ bình ổn giá xăng dầu, thời gian điều hành, dự trữ xăng dầu, quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý… "Đó đều là những vấn đề đã được đưa ra thảo luận rất kỹ trong quá trình sửa đổi", ông Đông nói.
Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biết, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó…
“Do đó ta phải tư duy về các công cụ quản lý Nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh ra sao. Đó là dịp để ta nhìn lại để làm sao có được thị trường xăng dầu đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI – một trong những cân đối chính của kinh tế. Mục tiêu nữa là thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước cho hay.
Ông Trần Duy Đông khẳng định: Tất cả những vấn đề đưa ra đều đang trong quá trình soạn thảo, trao đổi ý kiến để làm sao đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Mỗi một phương án lựa chọn đều có ưu và nhược điểm, nhưng khi lựa chọn thì phải chấp nhận. Việc làm chính sách thì phải hướng đến lâu dài và tôn trọng quy định khách quan, không chạy theo những vấn đề cục bộ, mang tính hiện tượng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận